Mẫu Đệ Tam : Tìm hiểu về Mẫu Thoải – Xích Lân Công Chúa

Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung là vị nữ thần dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý các miền sông nước được nhân dân ta thờ rất lâu đời.

“…Đức gồm vẹn công dung ngôn hạnh
Nết nhu hòa bổn tánh thiên nhiên
Dung nghi khác giá Thần Tiên
Vàng trong nước lệ ngọc miền non côn…”

Sơ lược chung về Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung

Danh hiệu:

  • Danh hiệu chính: Xích Lân Công Chúa
  • Động Đình Công Chúa
  • Ngọc Hồ Thần Nữ
  • Thủy Tiên Công Chúa
  • Thủy Cung Thánh Mẫu
  • Mẫu Thoải

Phủ/ nơi cai quản: Thuỷ Phủ (miền sông nước, biển cả)

Sắc Phong : Thượng Đẳng Thần Nguyệt Nga Công Chúa (sắc phong bởi Hoàng đế Lê Thánh Tông)

Trang phục

  • Ngự áo màu trắng
  • Đội miện trắng
  • Xếp bằng tay cầm quạt tượng trưng cho nước

Ngày khánh tiệc:

  • 12/02 (Âm Lịch): Tiệc Mẫu Tuyên Quang
  • 10/06 (Âm Lịch): Tiệc Đức Quốc Mẫu Đệ Tam Thoải Cung Thác Hàn
  • 12/06 (Âm Lịch): Tiệc Mẫu Thác Đền Hàn và Đản Nhật Cô Bơ Bông

Đền thờ:

  • Đền Hạ, đền Ỷ La và đền Thượng, Tuyên Quang
  • Đền Xâm Thị, đền Dầm, đền Ghềnh, Hà Nội
  • Đền Mẫu Thác Hàn, Thanh Hóa
  • Đền Mẫu Thoải, Lạng Sơn

Sự tích Mẫu Đệ Tam

Trong dân gian tương truyền Ngài vốn là con gái út của vua cha Bát Hải Động Đình. Đến tuổi lấy chồng, vua cha gả cho Kinh Xuyên, tức thần ốc ở trên núi.

Vợ chồng loan hợp hạnh phúc nhưng khi Kinh Xuyên lấy tiểu thiếp là Thảo Mai. Thảo Mai giáo dỡ vu oan cho Tiên Chúa, Kinh Xuyên không xét trước sau mà đem đầy Tiên Chúa vào chốn rừng sâu mặc cho thú dữ ăn thịt. Khi ở trong rừng, có lúc chúa hiện hình thành long xà, khi thì thành mỹ nhân trút sầu với cỏ cây hoa lá.

Lòng từ bi của tiên chúa khiến không một loài ác thủ nào xâm hại đến bà mà chúng còn nghe lời bà. Tiên Chúa được sự yêu mến của muông thủ, hoa cỏ lá cây. Cũng hay cho con tạo xoay vần mà Tiên Chúa gặp được Liễu Nghị trên đường lai kinh ứng thi đi ngang qua. Ngài đã viết chúc thư và trao cho Liễu Nghị kèm với một kim thoa nhờ chàng mang tới thuỷ cung. Liễu Nghị nghe theo lời Tiên Chúa chỉ đường mà tới Bể Đông, dùng kim thoa gõ vào cây ngô đồng như đúng lời dặn. Bỗng dưng nước rẽ làm đôi đón Liễu Nghị vào tới thuỷ cung, ở đây chàng đã tâu trình bức thư phong mà Tiên Chúa gửi gắm. Đọc xong lá thư Vua Thoải Quốc nổi giận sai Trưởng Tử Xích Long Hầu đi đón Tiên Chúa hồi cung và đem trừng phạt Kính Xuyên và Thảo Mai và ban cho tiên chúa kết nhân duyên với Liễu Nghị.

Dựa trên cơ sở thần tích ấy và lòng tin ngưỡng của nhân dân ta với Thủy tổ, Thánh Mẫu đệ tam được huyền hóa, tái hiện trong các triều đình phong kiến như bà Nguyễn Thị Châu (tức Châu nương) ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đời Lê – Nguyễn tôn xưng Mẫu Hàn Sơn. Trải qua các đời, Mẫu Thoải được huyền hóa nhưng vẫn lấy tích chung theo “Liễu Nghị thư”.

Trong số các Thủy Phúc Thần thì Mẫu Thoải là vị Thần quan trọng nhất. Theo tư duy dân gian Mẫu Thoải là một bà mẹ khởi nguyên sáng tạo ra mọi miền sông nước: Biển, hồ, ao, đầm, đồng, ruộng, gắn với nước đều do Mẫu sinh ra.

Với Mẫu Thoải, nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong duy trì sự sống của con người, nó được gắn đồng nhất với nỗi buồn, niềm vui của con người. Vì thế Mẫu Thoải trở thành một bà mẹ thiêng liêng, luôn sáng tạo và ban phát cho nhân gian, mọi nguồn hạnh phúc.

Mẫu Thoải là một vị Thủy Phúc Thần mà thể lực và quyền năng đều liên quan đến việc điều hòa nguồn nước. Mẫu là điểm hội tụ, hồi quang và tỏa chiếu sức mạnh của các Thủy Thần.

Mẫu Đệ Tam là mẹ của Lạc Long Quân

Ngay trong đầu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên đã có đoạn viết như sau:

Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nổi ngôi. Vua cổ nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (Xét: Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi). Lạc Long Quân Tên hủy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.

Xét lại tư liệu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chúng ta thấy có sự trùng hợp giữa thần tích về Mẫu Đệ Tam với tư liệc lịch sử thời kỳ mở mang của đất nước. Kinh Xuyên trong thần tích về Mẫu Đệ Tam chính là Kinh Dương Vương, người đã lấy con gái của Động Đình Quân và sinh ra Lạc Long Quân. Trong một cách giải thích của Bách Việt Trùng Cứu: Kinh Xuyên có thể là Kinh Dương Vương vì Dương là Giang = Xuyên, Kinh đọc thành Kinh; hoặc giả Kính Xuyên là vị vua phương Bắc, Kinh với nghĩa kính trọng, Xuyên hay Giang là hành Thuỷ, tượng của phương Bắc. Như vậy từ sự kết hợp giữa nội dung bản thần tích này với tài liệu sử sách, chúng ta nhận thấy có một sự thống nhất: Mẫu Đệ Tam chính là mẹ của Lạc Long Quân.

Trong bài viết “Tục thờ Mẫu Thoải trong tín ngưỡng dân gian ở Phú Thọ” của tác giả Phạm Bá Khiêm cũng có đoạn viết như sau:

Truyền thuyết kể rằng, thủa trời đất mới mở mang, rừng núi, sông hồ còn hoang vu, rậm rạp. Kinh Dương Vương thường đi du ngoạn khắp nơi. Một hôm tới vùng sông sâu, nước thẳm, gặp một người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, xưng là con của Long Vương ở Động Đình Hồ. Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến, lấy nàng làm vợ; rồi sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân – Thủy tổ của người Lạc Việt. Về sau, bà có công giúp Vua trông coi việc sông biển, làm mưa, chống lụt, chống hạn. Bà còn âm phù, dương trợ cho các tướng lĩnh hay chính nhà Vua đi chinh chiến, dẹp giặc cứu nước. Do có công cao nghĩa cả nên nhân dân đời sau đã suy tôn bà là Mẫu Thoải; lập đền thờ dọc hai bên bờ các dòng sông. Từ đó trong tư duy của người Việt, Mẫu Thoải được gắn liền với miền sông nước.

Trong bài viết “Mẫu Thoải – Biểu tượng thần nước trong Tam tòa Tứ phủ” của tác giả Trương Sỹ Hùng cũng đã viết như sau:

Ở làng A Lữ có truyền thuyết: “Thủa đất trời mới mở mang, núi cao, rừng rậm, đầm lầy còn bao phủ gần kín mặt đất, Kinh Dương Vương thường đi dọc khắp mọi vùng, trông nom cõi bờ đất nước. Một ngày kia, khi dạo tới vùng nước còn mênh mông trắng xóa, chỉ lô nhô đôi gò đất cao nổi lên, vua bỗng gặp người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, vừa như tiên giáng thế, vừa tựa thiếu nữ nơi thủy cung lên. Vua hỏi nàng xưng là con gái của Động Đình Quân – Thần Long. Trong lòng cảm động, Kinh Dương Vương lấy nàng làm vợ”, sau đó ít lâu sinh ra Sùng Lãm tự xưng là Lạc Long Quân.

Cũng cốt chuyện trên, dân vùng Ngàn Hống (Nghệ An) kể rằng:

Lúc mới mở nước, Kinh Dương Vương đi xem cảnh núi sông, tìm nơi đất lành để xây dựng kinh đô. Khi về tới phương nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy cảnh núi non hùng vĩ, 99 ngọn cao vút, trấn trên tiên Hội, có thể rồng vây hổ chầu, Dương Vương lấy làm vừa ý, bèn sai đắp thành dưới núi, xây dựng lâu đài thành lũy… Công việc tạm xong, Vương lại cưỡi thuyền trở ra phương Bắc, tiếp tục cuộc tuần du. Thuyền của vua theo dòng Thanh Long đến gần cửa Hội, bỗng thấy một người con gái mặt hoa da phẩn, tóc đen mườn mượt, mả đỏ hây hay từ dưới nước nổi lên. Sau khi tự xưng là Thần Long, người con gái ấy trở thành vợ vua Kinh Dương Vương và là mẹ của Lạc Long Quân.

Với hai dị bản truyền thuyết dân gian dẫn trên, các sách cổ lục, sử ký của các triều đại phong kiến cũng đã từng ghi chép lại. Ki Hồng Bàng thị trong phần Ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương Vương trị vì phương Nam, gọi tên là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.

Tác giả Lĩnh Nam chích quái còn kể thêm được chi tiết: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái vua hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân”.

Hai bộ sử trên đều thống nhất rằng: Lạc Long Quân là giống Rồng. Đến Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí – Quyển VI phần Nhân vật chỉ coi Kinh Dương Vương là dòng dõi Thần Nông, vua khởi đầu của nước Việt ta. Khi trước cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú ở biển phía Nam, gặp nàng Vụ Tiên rồi lấy làm vợ, đẻ con là Lộc Tục. Lộc Tục có Thánh Đức, Đế Minh yêu lắm, muốn lập là con nối, nhưng Lộc Tục cổ nhường cho anh là Nghi; Đế Minh liền phong cho Lộc Tục ở đất Việt (về miền nam), tức là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, đẻ ra Lạc Long Quân.

Như vậy là sáng tỏ, vợ của Kinh Dương Vương tức là mẹ của Vua Hùng thứ nhất; ba bộ sử có giá trị nhất của Việt Nam thời xưa đã ghi nhận. Tuy nhiên, đương đại lịch sử của các nhân vật truyền thuyết và ngay cả đến thời các sử gia, tên đất, tên người chưa có sự phân định như còn thấy từ sau thế kỷ X. Lời ca hát chầu văn cũng nhắc đến địa danh Động Đình:

Trạng giang biên dòng dòng lai láng
Nguyệt lầu lầu soi sáng Nam minh
Ngài con vua thủy Động Đình
Cổ tiên thần nữ giáng sinh đền rồng.
Tài gồm đủ công dung ngôn hạnh
Nết ôn hòa ưa tính thiên nhiên.

(Văn Mẫu Thoải – Tài liệu sưu tầm ở đền Đồng Bằng – Thái Bình, 1972).

Các lần hiển linh của Mẫu Đệ Tam

Hiển linh giúp Lý Thái Tổ

Tương truyền đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên có nạn lũ lụt. Khi Lý Thái Tổ, vua đầu tiên của nhà Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông bắt tay ngay vào công việc trị thủy. Công việc tiến hành phải đến đời vua sau, đời Lý Thái Tông, mới căn bản xong, các đoạn đê đã được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm xây dựng hệ thống đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra. Khi đó, mẫu Thoải đã phải các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven kinh thành Thăng Long để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Tại các làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ, … nay vẫn còn ghi lại các thần tích.

Hiển linh giúp Trần Hưng Đạo

Vào thời vua Trần Nhân Tông (1285-1293), quân Nguyên do hai tướng Thoát Hoan và Ô Mã Nhi, đem 10 vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Nhà Vua triệu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, phong ngài làm Đại Nguyên Soái cất quân đi dẹp giặc. Lúc đoàn quân Hưng Đạo ngang qua sông Xâm Miện (khu đền Dầm), thì mặt trời vừa lặn. Hưng Đạo Vương ra lệnh cho quân lên bãi sông cắm trại dừng chân, riêng Trần Hưng Đạo ngự trên thuyền.

Vào nửa đêm, ông mơ thấy thấy một người con gái mặc áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông nói rằng:

“Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa, được lệnh đến giúp ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp”.

Tỉnh dậy ông biết là mộng bảo có người phò hộ. Ông xua quân đại chiến với giặc. Đang khi giao tranh, ông thấy gió bấc thổi về rất mạnh, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngợp trời làm cho chiến thuyền của giặc bị nhận chìm tơi tả.

Thắng trận trở về, ông dâng biểu lên vua bảo công và nêu rõ việc Ngọc Dung bảo mộng. Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ, và ban tặng sắc phong:

Hoàng Long tĩnh mạch, đoan trang
Anh linh Thục Diệu phu nhân Trung Đẳng Thần.

Hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông

Đời Lê Thánh Tông, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì một trận cuồng phong nổi lên. Vua sai lập đàn tràng để cầu xin các vị thần thánh. Mẫu Thoải hay tin, phải một nữ tướng đến trấn trị, ngay lập tức sông yên gió lặng. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ. Đó cũng chính là lý do mà đền Hàn Sơn bên bờ sông Lèn trở thành một trong những ngôi đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng bậc nhất.

Hiển linh giúp vua Lê Thần Tông

Vào thời Lê, niên đại Vĩnh Thọ, có lần nước sông Hồng dâng lên rất cao, tràn cả vào Yên Phụ. Nhà vua phải thân hành làm lễ Nam giao (lễ tế cáo trời đất). Các mẫu Thoải đã lập tức ứng hiệu và âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi thủy quái.

Các đền thờ Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung

Đền ThờĐịa Chỉ
Đền Hàn SơnHà Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá
Đền DầmĐê Hữu Hồng, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội
Đền Mẫu ThoảiNgọc Thụy, Long Biên, Hà Nội
Đền thờ Bà áo TrắngHợp Minh, Yên Bái
Đền Mẫu Thoải177 Hùng Vương, Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn
Đền Cái LânBãi Cháy, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh

Các bản chầu văn Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung

Theo các tài liệu được sưu tầm, Tín Ngưỡng Việt đã tìm được 3 bản văn chầu Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung gồm:

  • Thảo Tiên Đệ Tam Thánh Mẫu Văn
  • Văn Mẫu Thoải
  • Thủy Tinh Công Chúa văn

Anh linh lừng lẫy chốn giang khê
Nức tiếng con vua dưới thuỷ tề
Ngán nỗi Kính Xuyên rời chỉ thắm
May nhờ Liễu Nghị chắp dây xe
Rập rìu tin nhạn thư vừa tới
Thấm thoát xe loan phút đã về
Hiển hách xưa nay ai dễ tỏ
Có chăng gửi một bức thư đề

Xem chi tiết 3 bản văn Mẫu đệ Tam đã được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Thánh Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung – – Xích Lân Công Chúa

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/tuc-tho-mau-thoai-trong-tin-nguong-dan-gian-o-phu-tho/14128.htm
  • https://xuanay.vn/mau-thoai-bieu-tuong-nuoc-trong-tam-toa-tu-phu/

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Mẫu