Đền Tiên La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình )

Đền Tiên La ở Thái Bình tọa lạc tại thôn Tiên La xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục hay còn được biết đến nhiều nhất là Mẫu Tiên La hay Chầu Tám Bát Nàn.

Đền Tiên La - Thái Bình

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu đầy đủ hơn về sự tích cũng như những nét kiến trúc đặc sắc tại ngôi đền này…

Sự tích đền Tiên La Thái Bình

Theo thần tích thì bà chúa được thờ ở đền Tiên La tên là Vũ Thị Thục, sống vào thời thuộc Hán ở trang Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ), đã đính hôn với con trai huyện trưởng Chu Diên (huyện, quận Chu Diên thời thuộc Hán thuộc một phần đất Hà Tây và Hà Nam Ninh).

Thấy nàng nhan sắc, sau khi ép nàng làm vợ nhưng bị cự tuyệt, Tô Ðịnh đã nổi giận tàn sát bố mẹ nàng và triệt hạ trang Phượng Lâu.

Thục nương được gia nhân che chở, xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng rồi dừng thuyền ở vùng đất này khởi binh chống Hán trả thù nhà đền nợ nước. Khi đã thu phục hiền tài trong vùng, xây dựng vùng Tiên La thành cứ hiểm, Vũ Thị Thục đã đưa cả lực lượng tham gia chiến đấu dưới cờ của Hai Bà Trưng, được phong là Ðông Nhung đại tướng quân, lập được nhiều võ công diệt giặc Hán.

Cuối cùng, vì thế giặc mạnh, bà đã tự sát tại gò Kim Quy. Chính tại nơi bà tuẫn tiết, nhân dân đã dựng đền Tiên La để muôn đời tưởng niệm.

Xem thêm: Bản văn Chầu Bát

Chầu Tám Bát Nàn

Kiến trúc đền Tiên La ở Thái Bình

Ðền Tiên La từng được coi là một thắng cảnh giữa đồng bằng, là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng.

Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc của ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền, có sức hút khôn lường du khách muôn phương tìm về như một sự hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt.

Nơi đây bao gồm các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, Tiền tế, Trung tế và Hậu cung.

Qua tam quan ngoại, sân đền là đến tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô.

Cổng tam quan Đền Tiên La tại Thái Bình

Nhà Tiền tế

Nhà Tiền tế gồm 5 gian, được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu các họa tiết như “Long – Lân – Quy – Phượng” đan xen với “Thông – Trúc – Cúc – Mai”.

Tại đây còn có những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn.

Nhà Trung tế

Nhà Trung tế được xây dựng theo kiểu nhà phương đình, kiến trúc “chồng diêm cổ các”. Đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng đều bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá… Các cột, kèo được chạm khắc rất tinh xảo, trong đó 4 cột cái chạm tứ linh, 12 cột quân chạm long vân, 8 xà chạm “Thông – Trúc – Cúc – Mai” đan xen “Long – Lân – Quy – Phượng”, sườn cột và 8 kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện.

Nhà Tiền tế và trung tế Đền Tiên La tại Thái Bình

Hậu cung

Hậu cung được kiến trúc bằng gỗ tứ thiết, gồm 3 gian:

Gian giữa đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân, xung quanh thờ các tướng sỹ của Bà. Gian bên trái thờ thân phụ, và gian bên phải thờ thân mẫu của Bà.

Trên nóc Hậu cung treo bức đại tự đề bốn chữ: “Vạn Cổ Anh Linh”. Tương truyền, đây còn là nơi đặt mộ của Bát Nạn tướng quân.

Lễ hội đền Tiên La Thái Bình

Lễ hội đền Tiên La Thái Bình được tổ chức công phu vào từ ngày 10 đến 20 tháng 3 Âm lịch hàng năm. chính hội là ngày 17 là ngày mất của Bát Nạn tướng quân.

Cũng giống như các lễ hội khác, Ở lễ hội Đền Tiên La cũng gồm các nghi thức tế lễ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: rước kiệu, rước nước, đánh đáo, thổi sáo trúc, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử…

Dâng hương lễ hội Đền Tiên La tại Thái Bình

Ngoài ra, nhiều đoàn nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục đặc sắc như các vở chèo: Quan âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Tải – Ngọc Hoa…

Tổng hợp