Nhiều người có quan điểm rằng Tín ngưỡng Tứ Phủ chỉ thờ các vị thánh, do vậy Tín Ngưỡng Tứ Phủ hoàn toàn tách khỏi Đạo Phật. Đây là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng và có thể gây ra những hệ quả khôn lường. Trái ngược lại, Đạo Phật lại có một vị trí quan trọng và luôn gắn liền với Tín ngưỡng Tứ Phủ.
Tác giả xin khẳng định tư tưởng này thông qua những minh chứng sau đây:
Có rất nhiều các nghi thức, nghi lễ của Tín Ngưỡng Tứ Phủ gắn liền với Đạo Phật, mà đầu tiên phải kể đến các khoa cúng. Như một nguyên tắc không thể thiếu, các khoa cúng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ luôn luôn thỉnh đến Phật và Bồ tát trước tiên. Điều này thể hiện được sự trân trọng ở mức độ cao nhất của Tín ngưỡng Tứ Phủ đối với Phật và Bồ tát, luôn đặt các vị lên hàng đầu, sau đó mới thỉnh tiếp đến Vua Cha Ngọc Hoàng cùng các vị thánh khác.
Tương tự, các bản văn sớ của Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ luôn luôn thỉnh đến Phật và Bồ tát trước tiên. Điều này một lần nữa thể hiện được sự trân trọng ở mức độ cao nhất của Tín ngưỡng Tứ Phủ đối với Phật và Bồ tát, luôn đặt các vị lên hàng đầu.
Một khía cạnh khác, chúng ta có thể nhận thấy gần như tất cả các ngôi đền thờ thuộc về Tín Ngưỡng Tứ Phủ đều có tượng thờ Bồ Tát. Các điện thờ Tứ Phủ cũng như vậy. Có Đền Phủ đặt tượng Bồ Tát ở ngoài sân, có Đền Phủ thì lại đặt tượng Bồ Tát ở vị trí cao nhất trên ban công đồng, cao hơn tượng Tam Tòa Thánh Mẫu và Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đây là một minh chứng nữa cho thấy tầm quan trọng của Đạo Phật trong Tín ngưỡng Tứ Phủ.
Một khía cạnh khác giống như bài trí tượng thờ, tranh thờ Công Đồng Tứ Phủ không bao giờ thiếu hình ảnh của Bồ Tát ngự ở vị trí cao nhất. Chúng ta có thể thấy điều này thông qua một số bức tranh thờ Tứ Phủ sau đây, bao gồm cả bức tranh cổ và bức tranh thờ ngày nay.
Tranh công đồng Tứ Phủ chất liệu gỗ, sơn khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
Tranh Tam Phủ
Trong Tín ngưỡng Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh được xếp ở vị trí hết sức quan trọng, tuy thấp hơn Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng Mẫu Liễu Hạnh lại được coi là thần chủ của Tín Ngưỡng Tứ Phủ, là vị thánh đứng đầu và quan trọng bậc nhất trong Tín ngưỡng Tứ Phủ. Chúng ta cũng chú ý rằng Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là thiên thần, không chỉ là nhân thần, mà còn là một vị Bồ tát với danh hiệu “Mã Vàng Bồ Tát”. Vị thần chủ của Tín Ngưỡng Tứ Phủ đồng thời cũng là một vị Bồ tát cho thấy rằng Tín Ngưỡng Tứ Phủ không thể nào tách rời khỏi Đạo Phật, trái lại có một sự gắn bó mật thiết với Đạo Phật.
Ngoài Mẫu Liễu Hạnh cũng là một vị Bồ tát, thì các vị thánh của Tứ Phủ cũng hướng theo Đạo Phật. Điều này được thể hiện thông qua rất nhiều các bản văn chầu. Chẳng hạn bản văn Quan Lớn Đệ Tứ:
Bảng vàng choi chói vua phong
Quyền Quan Đệ Tử uy hùng dậy vang
Chuyển quan san trên trời dưới đất
Quản thông tri phép Phật truyền ra
Văn Quan Điều Thất:
Có phen dạo kinh đô thành thị
Ngự lầu hồng phủ tía thảnh thơi
Có phen dạo khắp mọi nơi
Tiêu dao Tây Trúc thảnh thơi Phật tiền
Hay văn Chầu Đệ Bát:
Tiên La xây điện lập đền
Nhớ ơn Chầu Bát thờ trên Thái Bình
Chầu vào chùa tụng kinh niệm phật
Độ muôn dân trăm họ bình an
Thanh bình nhớ lúc gian nan
Dâng văn tiên chúa Bát Nàn tướng quân
Hoặc văn Ông Hoàng Bơ:
Khoan nhặt mái chèo, cảnh đền bỗng tới
Trăng in hồ nước, soi mái tam quan
Tiếng mõ vang vang, rũ sạch lòng phàm
Trăng treo đầu núi, vào chùa niệm phật
Nam mô A di đà phật
Văn Ông Hoàng Mười:
Tiêu dao di dưỡng tang tình.
Thơ Tiên một túi – Phật Kinh trăm tờ.
Văn Cô Bơ chèo thuyền:
Cô lại chèo sang
Chèo vô Quân Chảo
Tới tỉnh Ninh bình
Vô chùa Non Nước
Lễ phật tụng kinh
Văn Cô Bé:
Thế gian ghi nhớ ơn người
Nhớ tiên cô bé miệng cười xinh xinh
Gà rừng điểm mõ tụng kinh
Long chầu hổ phục xà tinh khấu đầu
Hoặc đoạn văn dâng hương:
Về đồng làm lễ dâng nhưng
Lễ phật ngũ bái mười phương độ trì
Hay đoạn kết của bản văn chầu:
Chữ rằng phật giảng lưu ân
Thần giáng lưu phúc thiên xuân thọ trường
Nhắc đến Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta đều biết đến đại chiến Sòng Sơn. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến kết cục của đại chiến Sòng Sơn:
Mẫu Liễu Hạnh bị thua trong trận chiến và bị Ba anh em Ngọc Quang bắt. Khi đó Phật Tổ thấy Chúa Liễu đang bị quẫn bách, vội cưỡi mây bay đến cứu. Ba vị Quan Thánh thấy trên không trung có mây ngũ sắc, vội ra nghênh đón.
Phật Thế tông hạ giá khuyên rằng:
Công Chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng. Nàng có lỗi nhưng nàng đã biết lỗi, từ nay về sau không được làm như trước. Nếu không vâng lệnh mà phạm phép trời thì sau này càng thêm phiền toái. Phải tha cho nàng để nàng theo ta, hàng ngày nghe kinh, tuân phép dần dần nàng sẽ chuyển hoá từ bị. Dù ở cửa thiền nếu phạm lỗi, phép công cũng không thể tha thứ được. Các ngươi có đồng ý hay không phải nói ra ngay giải quyết, có Phật Tổ chứng giảm.
Mẫu Liễu Hạnh tạ ơn nói:
Muôn đội ơn Đại Đức, không hỏi tội trước, lại mở lượng hải hà, tha tội cho con. Khi người này đến đền của con, con đã cho biết nỗi băn khoăn thật lòng thật dạ. Nhưng này đã không động tâm, chứ con có muốn gây chiến đấu. Con xin sửa chữa sai lầm, nguyện bỏ ác làm thiện, mãi mãi theo Phật đạo, không để bị trừng phạt nữa.
Tiền Quan thánh cũng nói:
Nàng là con gái Ngọc Hoàng thượng đế rất đáng được dung tha, nàng đã hối hận, nhưng phải lưu tâm, từ nay không được giết người, Nàng hứa với Phật Tổ như thế, mong từ nay làm theo để tránh binh đao cho dân chúng.
Nói đoạn, Tiền Quan Thánh chuyển cho Chúa Liễu những vật Phật Thế Tôn ban cho gồm một áo cà sa, một mũ gương sen, để Chúa Liễu đi theo đức Phật Thế Tôn, gia nhập cửa thiền tu đạo.
Chúa Liễu bái tạ ra về, ít lâu sau, Tiền Quan Thánh xin với nhà vua, sắc phong cho Chúa Liễu và để Chúa chấn giữ vùng Sòng Sơn.
Kết thúc của chuyện Đại Chiến Sòng Sơn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và một trong số hàm ý đó là Tín Ngưỡng Tứ Phủ cần phải có sự gắn kết và phải hướng theo đường lối của Đạo Phật.
Không chỉ có Tín Ngưỡng Tứ Phủ gắn liền và đi theo hướng của Đạo Phật, mà ngược lại, Đạo Phật cũng tiếp nhận cả Tín Ngưỡng Tứ Phủ. Điều này được thể hiện ở các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các ngôi chùa đều có Nhà thờ Mẫu hoặc Cung thờ Mẫu, đây chính là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh cùng các vị Thánh Mẫu và Công Đồng Tam Tứ Phủ. Có thể thấy nguyên tắc của Đạo Phật là không thờ ngoại đạo, như vậy việc thờ Thánh Mẫu cùng Công Đồng Tam Tứ Phủ trong các ngôi chùa cho thấy rằng Tín Ngưỡng Tứ Phủ cũng giống như là một phần của Đạo Phật vậy. Qua đây một lần nữa cũng cho thấy sự gắn bó khăng khít giữa Tín Ngưỡng Tứ Phủ và Đạo Phật ở Việt Nam.
Ở Việt Nam chúng ta có sự giao hòa của nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, trong đó Đạo Phật với tầm ảnh hưởng quan trọng và rộng lớn xuyên suốt quá trình lịch sử. Bên cạnh đó dân tộc ta còn có tín ngưỡng thờ các vị Thánh, Thần Linh bản địa mà tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Tam Tứ Phủ. Tuy nhiên hai dòng tôn giáo tín ngưỡng trên không đối đầu nhau mà còn có sự hòa nhập vào nhau. Tại sao lại như vậy? Và khi hòa nhập như vậy rồi thì Phật, Bồ Tát và các vị Thánh sẽ ở vị trí nào và có mối quan hệ ra sao?
Tuy rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng và không thể phản ánh một cách chính xác, tuy nhiên tôi cũng xin mạn phép đưa ra một cách ví von đơn giản như sau để bạn đọc dễ hình dung. Cách ví này liên hệ trực tiếp tới cấu trúc chính trị và bộ máy nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nên sẽ rất dễ hiểu:
Nhà Phật: giống như Đảng Cộng Sản vậy. Như chúng ta đã biết, Đảng đóng vai trò ở vị trí cao nhất, tuy không phải là cơ quan thuộc bộ máy nhà nước (không thuộc Quốc Hội, không thuộc Chính Phủ, …), nhưng lại đóng vai trò định hướng, chỉ đạo ở mặt tư tưởng, đường lối, chính sách cho toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước Việt Nam. Tương tự như vậy, Nhà Phật không tham gia vào việc cai quản của các vị thần thánh, tuy nhiên Nhà Phật có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những tư tưởng, đường lối hướng thiện, cứu độ chúng sinh, v.v… điều mà các vị Thánh Thần đều hướng theo.
Tam Tứ Phủ Công Đồng: giống như Quốc hội và Bộ máy nhà nước Việt Nam, có chức năng điều hành, cai quản, quản lý và thực thi pháp luật. Các vị thần thánh đều hướng tới Đạo Phật, giống như thể những nhà Lãnh đạo của Nhà nước CHXNCNVN đều phải là Đảng viên. Không thể có sự tách rời giữa Bộ máy Nhà nước với Đảng Cộng Sản giống như là không thể có sự tách rời giữa Tam Tứ Phủ Công Đồng với Đạo Phật vậy.
Cụ thể hơn chúng ta có:
– Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Vua Cha: tương đương với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong cấu trúc bộ máy nhà nước Việt nam. Tuy Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, nhưng lại không trực tiếp điều hành hệ thống hành chính mà giao lại quyền điều hành cho Thủ tướng Chính Phủ. Tương tự như vậy Ngọc Hoàng Thượng Đế không trực tiếp cai quản công việc mà ủy quyền lại cho Thánh Mẫu thực thi công việc của Tam Tứ Phủ Công Đồng.
– Tam Tòa Thánh Mẫu: tương đương với Thủ tướng Chính Phủ và Phó thủ tướng Chính Phủ. Có thể nói tuy Thủ tướng ở vị trí thấp hơn so với Chủ tịch nước trong cấu trúc bộ máy (vì Chủ tịch nước là người chỉ định ra Thủ tướng trước khi Quốc hội bỏ phiếu, và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước và Quốc hội,…) tuy nhiên Thủ tướng lại có quyền quản lý trực tiếp vô cùng rộng lớn. Tương tự như vậy Thánh Mẫu tuy ở vị trí thấp hơn Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhưng lại được Ngọc Hoàng Thượng Đế ủy quyền cho những quyền hạn vô cùng lớn lao.
– Hội Đồng Quan Lớn: tương đương với Bộ trưởng trong Bộ máy Chính Phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng thực hiện chức năng quản lý của mình.
– Các vị thánh khác: tương đương với các vị trí khác trong bộ máy nhà nước (Vụ, Cục, Tổng Cục,..). Còn các vị Chúa Bản Đền Bản Cảnh thì tương đương như những vị Lãnh đạo ở Địa Phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện), v.v…
Trên đây là một vài phép so sánh, tuy rằng vẫn còn sự khập khiễng, xong qua đây phần nào tác giả giúp bạn đọc hiểu được mối quan hệ giữa Nhà Phật và Nhà Thánh, cũng như tầm quan trọng của Nhà Phật với Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ, để có thể thấy rằng Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ không thể nào tách rời khỏi Đạo Phật.
Tham khảo thêm: Tại sao điện thờ Tam Tứ Phủ thường chỉ thờ Quan Âm Bồ Tát