Thổ Công: Tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Ông Địa tại Việt Nam

Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Ngài tức là vị Đệ nhất gia chi chủ, trên cả mọi vị thần khác.

Thổ công là gì?

Người Việt Nam đã thờ phụng tổ tiên, gia đình nào cũng có thờ Thổ Công. Thổ công chính là vị thần trông coi gia cư, định sự họa phúc cho gia đình tín chủ. Nhờ Thổ Công, các hồn ma quỷ không xâm nhập được để quấy nhiều những người trong nhà.

Ngoài tên gọi chính thì Thổ công còn được gọi là thổ địa, thổ địa công, ông địa, ông công , thổ kỳ, thần đất hay thổ thần hoặc xã thần.

Hình tượng Thổ Công (Ông Địa) trong tín ngưỡng của người Việt là một vị thần bình dân, bụng phệ, ăn mặc xuề xòa, có khi ở trần, tay cầm quạt lá.

Bàn thờ Thổ Công

Đã thờ phụng, phải có bàn thờ. Nhà nào đã tin theo Thần đạo đều có bàn thờ Thổ Công. Nhiều người thuộc ngành thứ, không có bổn phận cúng giỗ, trong nhà không có bàn thờ tổ tiên, cũng thiết lập một bàn thờ Thổ Công.

Bàn thờ Thổ Công thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Tại những gia đình không có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ Công được đặt ở gian chính giữa nhà.

Bàn thờ giản dị hơn bàn thờ tổ tiên, và gồm một chiếc hương án kê liền với hậu tường gian nhà.

Trên hương án có chiếc mâm nhỏ, giống chiếc bàn đặt trên hương án bàn thờ gia tiên, và ở trên cũng có ba đài rượu với nắp đậy như trên bàn thờ gia tiên vậy.

Đằng sau chiếc bàn nhỏ này, kê cao hơn lên là bài vị Thổ Công, hoặc có khi được thay bằng một cổ mũ gồm ba chiếc, mũ đàn bà đặt ở giữa và hai bên hai chiếc mũ đàn ông. Cũng có nhà chỉ thờ một chiếc mũ.

Đằng trước bàn nhỏ là bình hương hoặc đình trầm. Hai bên bình hương hoặc đỉnh trầm là đôi nến, đôi ống hương.

Ở những gia đình túng thiếu, bàn thờ Thổ Công lại càng giản dị hơn. Có khi chỉ là một chiếc bàn, trên bàn có một bình hương và một cỗ mũ đặt ngay sau bình hương. Dù bàn thờ có giản dị thế nào cũng vẫn là một bàn thờ đủ biểu lộ sự thành kính của gia chủ đối với vị thần săn sóc gia cư mình.

Ngay nay thường thì Thổ Công sẽ được bốc bát nhang riêng và được đặt vị trí chính giữa ban thờ gia tiên hoặc được thờ cùng tại ban Thần Tài ở mỗi gia đình.

Bài vị Thổ Công

Chính ra tại bàn thờ Thổ Công không phải người ta chỉ thờ một vị thần, mà ở đây là ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau.

Tại bài vị người ta để cả ba danh hiệu của ba vị thần này trông coi về ba việc riêng biệt :

  • Thổ Công trông nom việc trong bếp
  • Thổ Địa trông nom việc trong nhà
  • Thổ kỳ trông nom việc chợ búa cho đàn bà hoặc việc sinh sản mấy vật ở vườn đất.

Bài vị của ba vị thần lập chung và để như sau:

  • Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân
  • Bản gia Thổ địa Long mạch tôn thần
  • Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần.

Chữ bản gia đặt lên trên vì mỗi nhà đều được thay thế hàng năm vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, tức là vào ngày lễ Táo quân. Nhân dịp này người ta sửa lễ cúng ông Công rồi người ta đốt bài vị cũ để thay bài vị mới.

Cũng có nhà thay vì bài vị trên, bài vị Thổ công được viết thu gọn như sau:

Định phúc Táo Quân

Định phúc Táo Quân tức là ông vua Táo định phúc đức cho gia đình. Phúc đức này do sự ăn ở phải đạo hay trái đạo của gia chủ và người nhà.

Táo quân thường được tôn là Đệ nhất gia chi chủ nghĩa là vị chủ thứ nhất tại một nhà. Chính vì vậy mà nỗi khi muốn cúng lễ đều phải cúng Táo quân trước và xin phép ngày để những vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng.

Hai bên bài vị trên bao giờ cũng có một đôi câu đối, thường là đôi câu đối sau đây:

Hữu đức năng ty hỏa
Vô tư khả đạt thiên

Nghĩa là:

Có đức trông coi việc lửa
Vô tư có thể lên trời

Sự thu gọn bài vị trong bốn chữ Định phúc Táo quân rất đúng, vì Táo quân gồm cả ba vị Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ.

Mũ Thổ Công

Mũ Thổ Công có thể là một cỗ ba chiếc, một đàn bà và hai đàn ông, hoặc có thể chỉ là một chiếc đàn ông.

Mũ đàn ông có hai cánh chuồn vút lên, còn mũ đàn bà không có hai cánh chuồn đó

Khi người ta thờ một cổ mũ ba chiếc là người ta thờ đủ mũ dành cho cả ba vị thần, còn trong trường hợp thờ một mũ, đó là mũ Thổ Công. Cổ mũ hoặc chiếc mũ đặt trên chiếc bệ bằng giấy. Mỗi chiếc mũ có kèm theo chiếc áo và một đôi hia dính vào bệ giấy. Dưới mỗi chiếc mũ thường kê một vài trăm vàng thoi.

Mũ, áo và hia Thổ Công mỗi năm một màu, màu này ăn theo với ngũ hành : Mỗi năm có một hành riêng, và mỗi hành lại một màu khác.

Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

  • Năm nào hành Kim thì mũ màu vàng
  • Năm nào hành Mộc thì mũ màu trắng
  • Năm nào hành thủy thì mũ màu xanh
  • Năm nào hành Hỏa thì mũ màu đỏ
  • Năm nào hành Thổ thì mũ màu đen

Cũng như bài vị Thổ Công, hàng năm mũ cũng được đem hỏa thiên vào ngày Tết Táo quân và được thay thế bằng một cỗ mũ khác, cỗ mũ này cũng để thờ cho đến 23 tháng chạp năm sau.

Cúng Thổ Công

Ta cúng Thổ Công khác người Trung Quốc, và tục thờ Thổ Công của ta như trên đã nêu ra, cũng khác người Trung Quốc.

Ta cúng Thổ Công vào những ngày giỗ, tết, sóc vọng. Lễ cúng tùy theo gia chủ có thể cúng chay, có thể cúng mặn.

Thường thì trong những ngày sóc vọng tức là ngày mồng một và ngày rằm âm lịch, người ta hay cúng chay, đồ lễ chỉ gồm có giấy vàng, giấy bạc, trầu nước hoa quả. Tuy nhiên cũng có nhà cúng mặn, trước cúng sau ăn – cốt tỏ lòng thành. Cúng mặn phải có rượu, và đồ lễ ngoài các thứ kể trên có thể có thêm xôi, gà, hoặc chân giò, hay có khi là cả một mâm cỗ.

Trong những ngày giỗ tết, trong nhà có làm cỗ, cúng Thổ Công cũng dùng cỗ mặn. Ngoài ra trong mọi trường hợp làm lễ cáo gia tiên đều có cúng Thổ Công và người ta cũng khấn cầu sự phù hộ của Thổ Công như cầu khấn gia tiên vậy.

Tiếng gọi là cúng Thổ Công, nhưng khi cũng phải khấn đủ ba vị thần linh ghi trong bài vị, tức là:

  • Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
  • Thổ địa Long mạch tôn Thần
  • Ngũ Phương ngũ thổ Phúc đức chính thần

Tết ông Công

Lễ cúng Thổ Công quan trọng nhất trong năm là tết ông Công vào ngày 23 tháng chạp âm lịch.

Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày Tết ông Công, Thổ Công lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để báo cáo về những việc tại nghe mắt thấy ở trần gian.

Thổ Công có nhiệm vụ thiêng liêng ghi chép tất cả mọi việc tốt xấu xảy ra trong một gia đình một cách khách quan.

Ngày 23 tháng chạp sau khi cúng ông Công, người ta hóa vàng, đồng thời hóa cả có mũ năm trước, gồm có mũ áo hia và vàng. Người ta lại mua tặng ông Công một con cá chép, con cá này là ngựa ông Công cưỡi, được phóng sinh ra sông hoặc ra ao sau lễ cúng. Con cá sẽ hóa rồng đưa ông Công lên chầu Trời

Ngày xưa người Trung Hoa thường có tục hối lộ ông Công bằng cách khi hóa vàng đốt thêm gói kẹo để ông lên Trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi đi cho.

Văn khấn Thổ Công

Dưới đây là một mẫu văn khấn Thổ Công, văn khấn này chỉ cần thay đổi một vài chữ tùy theo ngày tháng là dùng được quanh năm.

Duy Việt Nam …. niên, chính nguyệt, sơ thập ngũ nhập.
Kim thần tín chủ … toàn gia cư trú tại …, khể thủ, đốn thủ bách bái.

Cẩn dĩ phù lưu thanh chước, Kim ngân, hương đăng, hoa quả, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.

Cung thỉnh

Bản gia Thổ Công Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân vị tiền.
Bản địa Thổ địa thần kỳ vị tiền,
Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần vị tiền.

Lai lâm chứng giám

Ủng hộ gia chủ tự lão chí ấu bình an hạnh phúc vô bệnh vô tật.

Thượng hưởng.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiều về Thổ Công

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

– Sách Phong Tục Thờ Cúng Tổ Tiên trong Gia Đình Việt (NXB Văn Hóa Dân Tộc)

Wikipedia

Xin trân trọng cám ơn!

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.