Thế thân là gì?
Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ thế thân là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.
Ý nghĩa của từ Thế thân
Thế thân là một Luận sư xuất sắc của Nhất thiết hữu bộ và Duy thức tông, được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Ðộ. Người ta cho rằng Sư sinh tại Peshāwar (địa danh ngày nay), sống tại Kashmir và chết tại A-du-đà (ayodhyā). Sư vừa là em vừa là đệ tử của Vô Trước (asaṅga), người sáng lập phái Duy thức. Vô Trước là người đã khuyến dụ Thế Thân theo Ðại thừa.
Có nhiều giả thuyết về con người Thế Thân, trong đó Erich Frauwallner – một nhà Phật học người Ðức – cho rằng có hai người tên Thế Thân, một là luận sư của Nhất thiết hữu bộ, là người soạn A-tì-đạt-ma câu-xá luận nổi danh của phái này. Người kia là em của Vô Trước, đã soạn bộ Duy thức nhị thập luận. Bộ này là sự tổng kết quan điểm của Duy thức tông, được dịch ra chữ Hán và Tây Tạng. Sư cũng là tác giả của Duy thức tam thập tụng, luận giải quan điểm của Duy thức tông, cũng như tác giả của nhiều bài luận về các tác phẩm của Vô Trước và về giáo lí Ðại thừa như Thập địa, kinh Kim cương, Diệu pháp liên hoa, Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha).
Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, một năm sau khi người anh là Vô Trước thụ giới cụ túc. Lúc đầu, Sư học giáo lí Tiểu thừa tại Phú-lâu-sa Phú-la (s: puruṣapura), sau đó tại Kashmir. Sau bốn năm ngụ tại Kashmir (342-346), Sư trở về Phú-lâu-sa Phú-la và soạn bộ luận A-tì-đạt-ma câu-xá (abhidharmakośa). Sau đó, Sư đi du phương và danh tiếng của Sư là một nhà biện luận xuất chúng vang dội. Khi gặp Vô Trước tại Phú-lâu-sa Phú-la và được người anh giảng giải giáo lí Ðại thừa, Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bắt đầu say mê nghiên cứu Ðại thừa và viết luận về kinh điển hệ này, nhất là Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh. Sư biên soạn nhiều bài luận, trong đó Sư hệ thống hoá tư tưởng »Duy thức« được lập nên bởi Vô Trước.
Khoảng năm 383, vua Candragupta II. Vikramā-ditya mời Sư làm đạo sư cho vương tử Govindagupta Bālāditya trong cung điện tại A-du-đà (ayodhyā). Sư nhận lời và nhân thời cơ này khuyến khích vương triều làm những việc thiện như xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở công cộng. Sau đó một thời gian, Sư cũng hoằng hoá tại viện Na-lan-đà. Ðệ tử xuất sắc nhất của Sư là nhà Nhân minh học lừng danh Trần-na (diṅnāga). Sau khi Govindagupta lên ngôi, ông lại mời Sư đến triều đình giảng dạy và định cư tại đây. Sư nhận lời mời nhưng vẫn thường hay du phương và tuỳ cơ giáo hoá. Những bài luận cuối cùng của Sư được soạn tại Sa-ka-la (śākala) và Kiều-thướng-di (kauśambī). Năm 396, Sư tịch tại A-du-đà (một thuyết khác là tại Nepāl).
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Thế thân là gì.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo Từ điển Đạo uyển