Thanh văn là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ thanh văn là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Thanh văn

Theo các nguồn Tự Điển, từ Thanh Văn có những ý nghĩa cụ thể như sau:

Phật học Tinh tuyển

Thanh văn là Tác Đệ Tử ; là một trong Nhị Thừa, Tam Thừa; chỉ cho hàng đệ tử xuất gia lắng nghe giáo pháp của đức Phật mà chứng ngộ.

Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 17, giải thích Thanh Văn có 3 danh nghĩa:

1. Theo nhân duyên đắc đạo mà giải thích, nghĩa là nghe lời dạy của đức Phật mà giải ngộ đắc đạo, nên được gọi là Thanh Văn

2. Theo pháp môn quán sát mà giải thích, như Thập Địa Kinh Luận quyển 4 dạy rằng ngã, chúng sanh, v.v., đều có tên, nên được gọi là thanh (âm thanh, tiếng); nhờ âm thanh mà giải ngộ, nên gọi là Thanh Văn

3. Nhân sự lợi lạc hóa độ tha nhân mà giải thích, như trong Phẩm Tín Giải của Kinh Pháp Hoa dạy rằng nhờ Phật đạo nghe mà khiến cho tất cả được nghe, nên gọi là Thanh Văn.

Trong 3 giải thích trên, hai giải thích đầu là thanh văn của Phật Giáo Nguyên Thủy; loại thứ ba là Bồ Tát, tùy nghi mà gọi là Thanh Văn. Nguyên lai, Thanh Văn chỉ cho các đệ tử của đức Phật khi còn tại thế, về sau đối với Duyên Giác, Bồ Tát mà thành ra Nhị Thừa, Tam Thừa. Thanh Văn là vị quán lý Tứ Đế, tu 37 phẩm trợ đạo, đoạn hai hoặc kiến và tu, rồi dần dần chứng được 4 quả Sa Môn, và nhập vào Vô Dư Niết Bàn. Thanh Văn Thừa là giáo pháp chuyên thuyết về Thanh Văn. Thanh Văn Tạng là kinh điển xiển dương giáo thuyết của Thanh Văn.

Trong các kinh luận, Thanh Văn có hai loại, 3 loại, 4 loại, 5 loại. Theo Phẩm Vô Tự Tánh Tướng của Giải Thâm Mật Kinh quyển 2, có 2 loại Thanh Văn là Nhất Hướng Thú Tịch Thanh Văn và Hồi Hướng Bồ Đề Thanh Văn.

Nhập Lăng Già Kinh quyển 4 lại nêu ra 3 loại Thanh Văn khác là Quyết Định Tịch Diệt Thanh Văn, Phát Bồ Đề Nguyện Thiện Căn Danh Thiện Căn Thanh Văn, Hóa Ứng Hóa Thanh Văn.

Du Già Sư Địa Luận quyển 73 lại nêu ra 3 loại khác: Biến Hóa Thanh Văn, Thệ Nguyện Thanh Văn, Pháp Tánh Thanh Văn.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá quyển Hạ, Thế Thân chia Thanh Văn làm 4 loại là Quyết Định Thanh Văn, Tăng Thượng Mạn Thanh Văn, Thối Bồ Đề Tâm Thanh Văn, Ứng Hóa Thanh Văn.

Bên cạnh đó, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú quyển 4 chia Thanh Văn thành 5 loại, gồm:

1. Quyết Định Thanh Văn , nghĩa là tu tập tiểu thừa đã lâu, muôn kiếp đạo chín muồi mà chứng đắc quả nhỏ;

2. Thối Bồ Đề Tâm Thanh Văn, vị này vốn tu tập Đại Thừa, muôn kiếp tu đạo, tuy nhiên giữa chừng vì chán ghét sanh tử mà thối đạo tâm lớn, chỉ chứng quả nhỏ thôi

3. Ứng Hóa Thanh Văn, nghĩa là các Bồ Tát vì hóa độ hai loại Thanh Văn vừa nêu, nên bên trong thì có đủ hạnh của chư Phật Bồ Tát, ngoại hình thì hiện thân Thanh Văn, để khuyến dụ hàng Tiểu Thừa, khiến cho nhập vào Đại Thừa

4. Tăng Thượng Mạn Thanh Văn, nghĩa là vì chán ghét sanh tử, vui mừng Niết Bàn, tu tập pháp Tiểu Thừa, chứng đắc pháp nhỏ mà đã thấy đầy đủ, chưa đạt mà cho đã đạt, chưa chứng mà bảo đã chứng;

5. Đại Thừa Thanh Văn, vị này lấy âm thanh của Phật đạo, khiến cho hết thảy người được nghe không trú vào thành hóa hiện (tỷ dụ cho cõi Niết Bàn của Tiểu Thừa), mà thảy đều quay về với lý của thật tướng Đại Thừa. Ngoài ra, trong các kinh điển của hệ A Hàm thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy, từ Thanh Văn đều chỉ chung cho hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Về sau, khi giáo đoàn Phật Giáo được xác lập, từ này được dùng chủ yếu chỉ cho các tăng sĩ xuất gia tu hành.

Trong Vạn Thiện Đồng Quy Tập quyển Trung có đoạn: “Tu Phạm hạnh, đoạn trần tập chi căn nguyên; hiện bệnh hạnh, khế Thanh Văn chi hóa thành (tu Phạm hạnh, dứt tập khí ấy nguồn căn; hiện bệnh hạnh, nghỉ Thanh Văn ấy hóa thành).”

Canh hoa trang

Từ điển Đạo uyển

Lúc đầu, Thanh văn có nghĩa là học trò của đức Phật. Dần dần, trong Ðại thừa, người ta cũng dùng từ Thanh văn để chỉ tất cả những ai nhờ nghe pháp và nhờ cố gắng cá nhân mà đạt đến giác ngộ, chứng tri kiến Tứ diệu đế và tính Không của thế giới hiện tượng.

Mục đích cao nhất của Thanh văn là đạt Vô dư Niết-bàn, lúc đó Thanh văn trở thành A-la-hán.

Canh hoa trang

Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt

1. Ban đầu là chỉ cho đệ tử của Đức Phật (những ai nghe được giáo lý của Ngài); về sau, chỉ cho đệ tử của Tiểu thừa tu tập tứ diệu đế để đạt đến niết-bàn. Theo kinh điển Đại thừa, Thanh văn được xem như cùng với Bích chi Phật là những vị tu theo pháp Nhị thừa, ít phát triển trí huệ và lòng từ bi hơn là pháp tu của hàng Bồ-tát.

2. Tăng sĩ Phật giáo.

Canh hoa trang

Từ điển Phật học Việt Anh – Minh Thông

Đệ tử xuất gia nghe âm thanh Phật mà chứng ngộ. Xá la bà ca. Bậc nghe pháp. Những đễ tử theo Phật nghe pháp, tham thiền đoạn diệt phiền não đác các quả vị khác. Quả vị cao nhất của hàng Thanh văn là quả vị A la hán, thấp hơn quả vị Duyên giác, Độc giác Phật, Bồ tát và Phật.

Có 4 bậc Thanh văn: -Thâu tịch Thanh văn: bậc nghe pháp rồi, tìm chỗ thanh văng tịch tu thành La hán, nhập Niết bàn. – Thối Bồ đề tâm Thanh văn: Ban đầu tu theo hạnh Bồ tát, trở lại tu Tứ diệu đế rồi nhập diệt. – Ứng hóa Thanh văn: Vốn là Bồ tát hay Phật thuở xưa, hớa thân thành Thanh văn hay Bồ tát để hỗ trợ Phật. – Tăng thượng mạn Thanh văn: Bậc tu hành tuy có thần thông nhưng chưa đắc quả La hán mà cũng tự xưng là Thanh văn La hán.

Canh hoa trang

Nhị chủng thanh văn là gì?

Nhị chủng thanh văn là Ngu pháp thanh văn và Bất ngu pháp thanh văn.

1. Ngu pháp thanh văn: Thanh văn học pháp Tiểu thừa, mê chấp pháp của mình mà chẳng hiểu biết gì về diệu lí pháp không của Đại thừa.

2. Bất ngu pháp thanh văn: Thanh văn này tuy thuộc về tiểu quả, nhưng hiểu lí của Đại thừa và xoay tâm hướng về Đại thừa.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Thanh văn là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Phật học Tinh tuyển
  • Từ điển Đạo uyển
  • Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt
  • Từ điển Phật học Việt Anh – Minh Thông
  • Từ điển Phật Quang