Pháp danh là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ pháp danh là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ pháp danh là gì?

Pháp danh là tên gọi do người Phật tử thọ trì sau khi quy y Phật Giáo, còn gọi là Pháp Hiệu, Pháp Húy , Giới Danh. Đối với tăng lữ, đây là tên gọi do vị thầy ban cho sau khi cử hành lễ xuất gia. Đối với người Phật tử tại gia, đây là tên gọi được ban cho sau khi quy y, thọ giới, hay khi tiến hành tang lễ.

Pháp Danh còn là biểu tượng thiêng liêng đánh dấu bước thay đổi cuộc sống tâm linh của người Phật tử khi thật sự bước chân vào Đạo. Đối với thế tục, khi con người mới sinh ra được cha mẹ đặt cho cái tên, đó là Tục Danh; khi vị ấy chuyển hóa tâm thức, quyết định quy y theo Phật Giáo, có nghĩa là được sanh ra lần thứ hai; tên gọi lúc này là Pháp Danh. Nó thể hiện việc xuất gia hay quy y trở thành đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni; cho nên đối với người xuất gia, thường có chữ “Thích” đi theo với Pháp Danh như Thích Từ Thiện, v.v.

Về phía Phật tử tại gia, do có khác nhau về giới tính, tuổi tác; vì vậy sau Pháp Danh thường có thêm các danh hiệu khác như Cư Sĩ, Tín Sĩ, Đại Tỷ, Tín Nữ, Đồng Tử, Đồng Nữ, v.v.; như Thanh Liên Cư Sĩ, Chân Tâm Tín Nữ , v.v.

Cách đặt tên pháp danh

Đối với truyền thống đang hiện hành của Việt Nam, Pháp Danh có 2 chữ; chư Tăng xuất gia thường có chữ “Thích” trước Pháp Danh, như Thích Huệ Học , v.v.; chư Ni xuất gia thường có chữ “Thích Nữ” trước Pháp Danh, như Thích Nữ Huệ Học, v.v.

Cách đặt Pháp Danh được tuân theo thứ tự của các chữ trong các bài kệ do chư vị tổ đức thuộc dòng phái đặt ra. Như Môn Phái Thập Tháp Di Đà ở Bình Định dùng bài kệ của Thiền Sư Vạn Phong Thời Ủy: “Tổ đạo giới định tông, phương quảng chứng viên thông, hành siêu minh thật tế, liễu đạt ngộ chơn không, như nhật quang thường chiếu, phổ châu lợi nhân thiên, tín hương sanh phước tuệ, tương kế chấn từ phong”

Trong khi đó, Môn Phái Liễu Quán tại Huế thì đặt Pháp Danh theo bài kệ của Tổ Sư Thật Diệu Liễu Quán “Thật tế đại đạo, tánh hải thanh trừng, tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong, giới định phước tuệ, thể dụng viên thông, vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công, truyền trì diệu lý, diễn sướng chánh tông, hành giải tương ưng, đạt ngộ chơn không”

Môn Phái Quốc Ân có bài kệ của Tổ Đạo Mân rằng: “Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên, minh như hồng nhật lệ trung thiên, linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ, chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền”

Tại Quảng Nam, Dòng Chúc Thánh thì dùng bài kệ truyền thừa pháp phái của Tổ Minh Hải Pháp Bảo: “Minh thật pháp toàn chương, ấn chơn như thị đồng, chúc thánh thọ thiên cữu, kỳ quốc tộ địa trường, đắc chánh luật vi tuyên, tổ đạo hành giải thông, giác hoa Bồ Ðề thọ, sung mãn nhân thiên trung”

Ngoài ra, còn một số bài kệ khác như bài của ngài Minh Hành Tại Toại ở miền Bắc: “Minh chân như bảo hải, kim tường phổ chiếu thông, chí đạo thành chánh quả, giác ngộ chứng chơn không” Hay bài kệ của ngài Tri Giáo Nhất Cú: “Tịnh trí viên thông tông từ tánh, khoan giác đạo sanh thị chánh tâm, mật hạnh nhân đức xưng lương tuệ, đăng phổ chiếu hoằng pháp vĩnh trường ”, v.v.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Pháp danh là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo Phật học Tinh tuyển

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.