Nhập thất là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ Nhập thất là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Nhập thất

Nhập thất theo phật học Tinh tuyển

Nhập thất thông thường từ này có nghĩa là vào trong thất hay căn phòng, nhưng đối với Thiền Tông thì có nghĩa là người đệ tử đã tham học lâu năm mới được phép vào trong thất riêng của Thầy để thọ nhận những lời giáo chỉ, huấn thị ân cần, hay để hỏi đạo. Cho nên người mới đến tham học thì không được vào thất Thầy. Ngày xưa không có quy chế rõ rệt nào đối với việc nhập thất, vì tùy theo cơ duyên, thời tiết, căn cơ mà cho đệ tử nhập thất. Nhưng từ sau thời Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), Bách Trượng Hoài Hải (749-814) trở đi, bắt đầu có quy định rõ ràng, có ngày nhất định để tiến hành nhập thất.

Ngoài đời cho rằng đắc được pháp của Thầy tức là đệ tử nhập thất; tuy nhiên nếu bảo là người nhập thất thì người đó chưa hẳn đã đắc được pháp của Thầy. Tổ Đình Sự Uyển quyển 8 có đoạn rằng: “Tổ Sư truyện vân: ‘Ngũ Tổ Đại Sư chí dạ, mật lịnh thị giả ư Đối Phường chiêu Lô hành giả nhập thất, toại truyền y pháp.Tổ Sư truyện kể rằng: ‘Đến đêm Ngũ Tổ Đại Sư lén ra lịnh cho thị giả đến Đối Phường mời Lô hành giả nhập thất, bèn truyền cho y pháp’).”

Trong Kinh Pháp Hoa cũng có câu: “Trước Như Lai y, nhập Như Lai thất (mặc y của Như Lai, vào thất của Như Lai)” . Lại trong A Hàm Kinh cũng có dạy rằng: “Phật cáo Bí Sô, ngô lưỡng nguyệt dục yến tọa, những đẳng bất tu tham vấn, duy trừ tống thực cập sái địa thời khả chí ư thử; ưng tri Phật Tổ đương thời hữu nhập thất chi nghi dã (Phật bảo các Tỳ Kheo, ta muốn ở yên trong hai tháng, các người không nên đến tham vấn, chỉ trừ khi cúng dường thức ăn và rưới nước trên đất thì có thể đến nơi đây; vậy nên biết rằng đương thời Phật Tổ đã có nghi nhập thất tham vấn rồi).”

Trong phần Nhập Thất của Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy có giải thích rằng: “Nhập thất giả, sư gia khám biện học tử, sách kỳ vị chí, đảo kỳ hư kháng, công kỳ thiên trọng (người nhập thất là học trò được vị Thầy xem xét, làm rõ, giúp hoàn thành điều trò chưa đạt đến, lấp lổ hỏng của trò, phá tan chỗ thiên chấp của trò).”

Trong Hưng Thiền Hộ Quốc Luận, Minh Am Vinh Tây , vị tổ sư khai sáng Lâm Tế Tông Nhật Bản, có dạy rằng: “Nhập thất vị ngộ Hòa Thượng gian hà chi nhật kiến lập chi, thử Tông nhất đại sự dã (nhập thất là gặp ngày Hòa Thượng rảnh rang mà lập nên, là việc trọng đại của Tông này)”.

Riêng đối với Mật Giáo, có thất riêng dùng làm cho lễ Quán Đảnh; cho nên nhập thất có nghĩa là vào trong thất thọ nhận phép Quán Đảnh.

Từ điển Phật học Việt Anh – Thiện Phúc

Theo Từ điển Phật học Việt Anh – Thiện Phúc thì Nhập Thất có những ý nghĩa sau:

  • 1. Vào buồng thầy để hỏi đạo hay được sự chỉ dẫn
  • 2. Cử hành lễ quán đảnh để trở thành Nhập thất đệ tử, nhưng chỉ dành cho những đệ tử cao cấp
  • 3. Nhập thất và tự bế môn trong phòng để tự thanh tịnh và tăng trưởng định lực

Từ điển Phật Quang

Nhập Thất cũg gọi Khai thất có nghĩa là đệ tử tiến vào thất của thầy để tiếp nhận pháp môn mà kế thừa dòng phái hoặc tham học, hỏi đạo.

Vua chúa vào chùa viện cũng gọi Nhập thất.

Nhập Thất trong tông Chân ngôn, Mật giáo, người vào thất Quán đính để tiếp nhận pháp Quán đính được gọi là Nhập thất đệ tử.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Nhập thất là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Phật học Tinh tuyển
  • Từ điển Phật học Việt Anh – Thiện Phúc nhập thất
  • Từ điển Phật Quang
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.