Ngũ hành là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ Ngũ hành là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Ngũ hành

Theo Phật học Tinh tuyển

Ngũ hành là quan niệm về vật chất của người Trung Quốc cổ đại, phần nhiều được dùng trong các phương diện triết học, y học cũng như bói toán; tức là 5 nguyên tố cần thiết vận hành giữa trời đất gồm Thủy (水), Hỏa (火), Mộc (木), Kim (金) và Thổ (土).

Tên gọi khác của Ngũ Thường (5 yếu tố con người thường cần phải thực hiện) gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. Người Trung Quốc cho rằng tự nhiên được cấu thành bởi 5 yếu tố, tùy theo các yếu tố này mà thịnh suy, khiến cho tự nhiên sinh ra các biến hóa, có ảnh hưởng đến vận mạng của con người, đồng thời làm cho vũ trụ tuần hoàn không ngừng.

Phật học Tinh tuyển

Ngu hanh la gi?

Theo Từ điển Phật Quang

Ngũ Hành chỉ cho 5 nguyên tố vận hành, tức là: Thủy (nước), hỏa (lửa), mộc (cây), kim (vàng) và thổ (đất). Vì giữa khoảng trời đất 5 nguyên tố này vận hành không ngừng, cho nên gọi là Ngũ hành. Đây là những nguyên tố sinh thành trưởng dưỡng muôn vật, cùng với thuyết Tứ đại năng tạo(4 yếu tố tạo ra vạn vật): Đất, nước, lửa và gió của Phật giáo có điểm giống nhau. Ngũ hành là tư tưởng đã có sẵn ở Trung quốc trước khi Phật giáo truyền đến, rất phổ biến trong các học phái: Nho, Mặc, Đạo, đến các nhà Pháp, Binh, Y…

Từ sau đời Hán, thuyết Ngũ hành càng thịnh hơn và được phối hợp với mọi sự tượng của đời sống con người. Ngũ hành chủ yếu có 2 nghĩa tương sinh và tương khắc. Từ thời Nam Bắc triều trở đi, thuyết Ngũ hành lẫn lộn vào Phật giáo, kinh Đề vị đem phối hợp Ngũ hành với Ngũ giới; Tam chủng tất địa phá địa ngục chuyển nghiệp chướng xuất tam giới bí mật đà la ni pháp thì đem Ngũ hành phối hợp với Ngũ tự(a, va, ra, ha, kha), Ngũ Phật(Kim cương giới: Tì lô già na, A súc, Bảo sinh, A di đà, Bất không thành tựu; Thai tạng giới: Đại nhật, Bảo chàng, Khai phu hoa vương, Vô lượng thọ, Thiên cổ lôi âm), Ngũ trí (Pháp giới thể tính trí, Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí), Ngũ tạng (tim, gan, lá lách, phổi, thận)… Đại nhật kinh sớ quyển 4 thì phối hợp Ngũ hành với Ngũ căn (Tín, Tiến, Niệm, Định, Tuệ)…

Ngũ Hành cũng gọi Tu hành ngũ môn. Chỉ cho 5 pháp môn tu hành. Ngũ môn là trong 6 độ hợp 2 độ Định và Tuệ lại làm 1 môn Chỉ quán thì chỉ còn lại 5 độ, vì thế gọi là Ngũ môn. Theo luận Đại thừa khởi tín thì 5 môn đó là:

1. Thí môn, thí có 3 nghĩa:

a) Tài thí: Nếu thấy mọi người đến cầu xin, thì tùy theo khả năng đem tài vật của mình ban bố cho họ để xả bỏ tính keo tham của mình, làm cho mọi người được vui mừng.

b) Vô úy thí: Khi người gặp tai nạn, khủng bố uy hiếp, thì tùy theo năng lực của mình phương tiện cứu giúp, làm cho nạn nhân không còn sợ hãi, được yên vui.

c) Pháp thí: Nếu có chúng sinh đến cầu nghe pháp thì tùy chỗ mình hiểu biết mà phương tiện thuyết giảng, không phải vì mong được danh lợi mà chỉ nghĩ đến việc lợi mình lợi người để hồi hướng đạo Giác ngộ.

2. Giới môn: Tuyệt đối không làm các điều ác, xa lánh chỗ ồn ào, thường ở nơi vắng vẻ, ít tham muốn, luôn biết đủ, tu các hạnh khổ; đối với những tội lỗi nhỏ nhặt cũng sinh tâm sợ hãi, xấu hổ, sửa đổi ăn năn, không coi thường các giới cấm do đức Phật chế định, luôn thận trọng đối với việc chê bai hiềm khích để ngăn ngừa tội lỗi.

3. Nhẫn môn: Chịu đựng được những việc thương tổn não hại do người khác gây ra cho mình mà không ôm lòng sân hận báo thù; cũng nên giữ thái độ thản nhiên trước 8 việc thường diễn ra trong cuộc đời: lợi, hại, khen, chê, tâng bốc, dèm pha, khổ, vui…

4. Tiến môn: Đối với các việc lành, lòng hăng hái sốt sắng, lập chí vững chắc mạnh mẽ, siêng tu tất cả công đức lợi mình, lợi người để xa lìa mọi nỗi khổ.

5. Chỉ quán môn: Chỉ là chặn đứng tất cả tướng cảnh giới lăng xăng; Quán là phân biệt các tướng nhân duyên sinh diệt. Nương theo 2 nghĩa này tu tập dần dần, không lìa bỏ nên mau được thành tựu. Ngoài ra, Chỉ quán được phối hợp với 2 môn Chân như và Sinh diệt, tức là: Nương vào môn Chân như dứt bặt các cảnh tướng mà không chỗ phân biệt, thì thành trí Căn bản vô phân biệt, đó là Chỉ môn; nương vào môn Sinh diệt phân biệt các tướng mà quán xét lí thú của các tướng thì thành trí Hậu đắc, đó là Quán môn. Tuy nhiên, 2 môn này chỉ do 1 tâm, vì vậy phải vận dụng cả 2 môn song song mới có thể gọi là Chỉ quán chân chính.

Từ điển Phật Quang

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Ngũ hành là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Phật học Tinh tuyển
  • Từ điển Phật Quang
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.