Hoan hỉ là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ Hoan hỉ là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Hoan hỉ

Từ điển Phật Quang

Hoan Hỉ là cảm giác vui mừng khi người ta tiếp xúc với cảnh vừa lòng đẹp ý. Đặc biệt chỉ cho chúng sinh nghe đức Phật nói pháp hoặc nghe danh hiệu của chư Phật mà sinh tâm vui mừng, cho đến tin nhận vâng làm.

Kinh Giáo hóa bệnh trong Trung a hàm quyển 6 (Đại 1, 460 trung), ghi: Đức Thế tôn nói pháp cho tôi nghe, khuyên phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỉ . Trong quá trình tu hành, có nhiều tầng bậc hoan hỉ khác nhau. Trong đó, tu chứng đến quả vị Sơ địa là hoan hỉ chân chính, vì thế bồ tát Sơ địa được gọi là bồ tát Hoan hỉ địa. Nhưng phàm phu dưới Sơ địa cũng có thể nhờ nghe Phật pháp hoặc cảm niệm công đức hi hữu của chư Phật và Bồ tát mà sinh tâm hoan hỉ, đây thật là do kết quả của tín thụ, có thể nói là sự thể nghiệm tông giáo quí giá.

Theo Thập địa kinh luận quyển 2 của ngài Thiên thân, thì sự hoan hỉ của bồ tát Hoan hỉ địa là chỉ cho tâm hỉ, thể hỉ, căn hỉ . Hoan hỉ này có 9 thứ:

  • 1. Kính tín hoan hỉ.
  • 2. Ái niệm hoan hỉ.
  • 3. Khánh duyệt hoan hỉ.
  • 4. Điều nhu hoan hỉ.
  • 5. Dũng dược hoan hỉ.
  • 6. Kham thụ hoan hỉ.
  • 7. Bất hoại tha ý hoan hỉ.
  • 8. Bất não chúng sinh hoan hỉ.
  • 9. Bất sân hận hoan hỉ.

Nếu nói theo chủ trương của Tịnh độ giáo Nhật bản, thì Hoan hỉ đặc biệt chỉ cho sự vui mừng phát sinh từ trong lòng nhờ được Phật cứu độ, hoặc do nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ được sinh về Tịnh độ cực lạc; bởi vậy, sự vui mừng ấy thường được miêu tả bằng các từ ngữ Tín tâm hoan hỉ, Dũng dược hoan hỉ .

Trong Nhất niệm đa niệm chứng văn, ngài Thân loan đã phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa Hoan và Hỉ , bảo rằng Hoan là làm cho thân vui mừng, Hỉ là làm cho tâm vui mừng. Hoan hỉ tức biết trước chắc chắn mình sẽ được vãng sinh, cho nên trong tâm vui mừng. Bởi thế, người tu Tịnh độ, vì biết trước sau khi chết, mình được sinh về Cực lạc phương Tây mà vui mừng, gọi là Hoan hỉ. Còn trong đời hiện tại, nhờ lòng tin vững chắc, được vào địa vị Bất thoái mà vui mừng, thì gọi là Khánh hỉ.

Ngoài ra Hoan Hỉ (Phạm:Ànanda) Chỉ cho ngài A nan đà, vị Đa văn đệ nhất trong 10 vị đệ tử lớn của đức Phật. (xt. A Nan).

Theo Từ điển Đạo uyển

Theo Từ điển Đạo uyển thì Hoan hỉ có những ý nghĩa như sau:

1. Niềm vui, sự hân hoan, hạnh phúc. Niềm vui phát sinh do thành tựu công hạnh tu tập, làm thăng hoa con người

2. Giai vị đầu tiên trong Thập địa của hàng Bồ Tát, được giải thích rộng trong phẩm Thập địa của kinh Hoa Nghiêm. Trong phẩm nầy, Đức Phật định nghĩa “hoan hỉ” là tăng trưởng niềm tin; tin và hiểu một cách trong sáng; thành tựu lòng từ bi; trang nghiêm thân bàng pháp sám hối; có lòng khoan dung; gieo trồng thiện căn không ngưng nghỉ; tam không chấp trước; không tham lợi dưỡng, không mong cầu được cung kính tôn trọng; không đắm trước cuộc sống gia đình của cải, vui thích tìm cầu trí thức viên mãn; xa lìa luống dối hư vọng; thực hành đúng với lời nói; không làm theo những gì thế gian mong muốn. Như vây, hoan hỉ có nghĩa là chân chính tu tập các đức hạnh;

3. Hoan hỉ khi nhập vào Tịnh độ;

4. Tên cõi Đức A-súc-bệ Như Lai đang giáo hoá (Hoan hỉ quốc).

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Hoan hỉ là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Từ điển Phật Quang
  • Theo Từ điển Đạo uyển
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.