Từ xa xưa “Lửa” đã được sử dụng và đóng góp to lớn vào sự tiến hoá, phát triển loài người. Mặt khác Lửa vẫn thường gây ra những thảm hoạ khôn lường. Từ thực tiễn và kinh nghiệm được đúc rút qua các đời, ông cha ta đã tổng kết và phân hạng bốn yếu tố gây hại nhiều nhất đến cuộc sống của con người là: Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc (nước, lửa, trộm cướp và giặc giã), trong đó, yếu tố Hỏa được xếp trên Đạo và Tặc.
Những dãy phố phía tây của khu phố phường Hà Nội hồi thế kỷ 19 chủ yếu là nhà tranh tre nửa lá, nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sách ghi chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm cháy 1420 nhà của 27 phường. Đến năm 1837, lại cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa. Cả vạn dân mất sạch cơ nghiệp. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều, có vụ còn suýt thiêu chết cả nhà quan Tổng đốc.
Hỏa hoạn là tai hoạ đáng sợ nhất, nhưng lại khó tránh khi toàn nhà lợp tranh. Vì thế, sau vụ cháy lớn năm 1837, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây hoạ. Có lẽ đây là ngôi đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.
Đền Hỏa Thần được xây dựng vào đầu thời Nguyễn từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), vị trí ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội tại địa chỉ số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, bên trong thờ thần Lửa.
Việc cầu mong Thần Hỏa đem lại sự an lạc về tinh thần và đề cao việc phòng chống hỏa hoạn phản ánh một phần hoạt động kinh tế xã hội và đời sống tâm linh của người Hà Nội từ xưa đến nay.
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã ca ngợi sự linh thiêng bền vững của Thần Hỏa trong việc trừ họa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long:
Hỏa tụ tam khu phần bất cập
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
Tạm dịch:
Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng
Ở Việt Nam có hai Thần Lửa, trong đó vị Quang Hoa Mã Nguyên Súy được thờ phụng tại đền Hỏa Thần. Theo truyền thuyết, Nguyên Súy được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều và trở thành môn đệ Phật gia. Do tính “Hỏa” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng, Khi đắc đạo được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai. Và như thế có thể coi “Thần Hỏa” là ông Tổ nghề phòng cháy chữa cháy.
Đền Hoả Thần lúc đầu chỉ làm bằng tranh nửa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm tòa phương đình và nhà tiền tế. Con phố có ngôi đền vì thế cũng gọi là phố Nhà Hỏa.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Hỏa Thần.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Hệ Thống Nam Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ: