Hà bá là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ hà bá là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Hà bá

Hà bá là tên gọi của vị Thủy Thần ở Hoàng Hàtrong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc. Về lịch sử, tên ban đầu của Hà Bá là Băng Di, Bằng Di, Hà Thần, Vô Di.

Tên gọi Hà Bá phát xuất từ thời Chiến Quốc, truyền thuyết không thống nhất với nhau. Vì Hoàng Hà thường lũ lụt, gây tai họa khôn xiết, cho nên người ta cho rằng tính tình của Hà Bá cũng hung bạo. Thần thoại kể rằng Hậu Nghệ đã từng dùng tên bắn vào mắt trái Hà Bá. Do vì ông có uy lực không thể lường, nên từ xưa đã có tập tục xấu “Hà Bá Thú Phụ (Hà Bá Cưới Vợ)”, lấy đó để cầu được bình an, không hoạn nạn.

Về truyền thuyết “Hà Bá Thú Phụ (Hà Bá Cưới Vợ)”, dưới thời đại Chiến Quốc, Tây Môn Báo được phái đến Nghiệp Thành làm quan huyện. Khi đến nơi thì không bóng người qua lại, cả ngày hoang vắng, bèn hỏi xem thử nguyên do vì sao. Có một lão già tóc bạc phơ bảo rằng đó là do vì chuyện Hà Bá cưới vợ gây nên náo loạn như vậy. Hà Bá là thần của sông Chương, hằng năm đều phải cưới một cô nương xinh đẹp. Nếu như không đem cống nạp, tất sông Chương sẽ phát sinh lũ lớn, làm cho ruộng đất, nhà cửa đều ngập trong biển nước. Nghe vậy, Tây Môn Báo biết rằng đây là câu chuyện bịa đặt của tên tham quan nào đó để xách nhiễu lòng dân. Đợi đến ngày Hà Bá Cưới Vợ năm sau, ông đến ngay tại hiện trường quan sát. Ông phát hiện con quan lớn nhỏ cùng với mấy bà đồng bóng đội lốt thần quỷ cũng có mặt. Về sau, Tây Môn Báo nhà Ngụy không tin vào truyền thuyết đó, cấm tuyệt không cho thờ cúng, kêu gọi dân chúng làm cầu, ngăn đê, cuối cùng dứt được sự lo âu về thủy tai.

Về truyền thuyết, Hà Bá có thân người đuôi cá, tóc trên đầu màu trắng bạc, tròng mắt có màu sắc rực rỡ như ngọc Lưu Ly. Tuy nhiên, ông là người nam, có vẻ đẹp dị thường, trên thân có mùi hương thơm ngát, mới nhìn thoáng qua khoảng không quá 20 tuổi. Trong Bão Phác Tử, Thiên Thích Quỷ, có giải thích rằng Băng Di đi qua sông, bị chết đuối, được Thiên Đế giao cho làm Hà Bá để quản lý sông hồ. Hay như trong Sưu Thần Ký quyển 4 có đoạn giải thích sự việc trên rằng:

“Tống thời Hoằng Nông Bằng Di, Hoa Âm, Đồng Hương, Đê Thủ nhân dã, dĩ bát nguyệt thượng Canh nhật độ hà, nịch tử; Thiên Đế thự vi Hà Bá ( vào niên hiệu Hoằng Nông nhà Tống, có Bằng Di, người Đê Thủ, Đồng Hương, vùng Hoa Âm, nhân qua sông vào ngày Canh đầu tháng 8, bị chết đuối; Thiên Đế phong cho làm Hà Bá).”

Trong tác phẩm Pháp Uyển Châu Lâm quyển 75 của Phật Giáo cũng có cùng nội dung tương tự như vậy. Cũng có thuyết cho rằng Hà Bá dùng 8 thứ đá (xưa kia các Đạo gia dùng 8 loại nguyên liệu bằng đá để luyện đơn, gồm Chu Sa, Hùng Hoàng, Thử Hoàng, Không Thanh, Vân Mẫu , Lưu Huỳnh, Nhung Diêm , và Tiêu Thạch) và thành thần, như trong Sơn Hải Kinh Hải Kinh Tân Thích quyển 7 có giải thích: “Bằng Di, Hoa Âm, Đồng Hương, Đê Thủ nhân dã, phục bát thạch, đắc Thủy Tiên, thị vi Hà Bá (Bằng Di, người Đê Thủ, Đồng Hương, vùng Hoa Âm, dùng tám loại đá, thành Thủy Tiên, đó là Hà Bá).”

Vị thần này còn có tên gọi khác là Hà Bá Sứ Giả, như trong Thần Dị Kinh, phần Tây Hoang Kinh có câu: “Tây hải thủy thượng hữu nhân, thừa bạch mã chu liệp, bạch y huyền quan, tùng thập nhị đồng tử, sử mã Tây hải thủy thượng, như phi như phong, danh viết Hà Bá Sứ Giả (trên mặt nước biển Tây có người cỡi con ngựa trắng, bờm đỏ, mặc áo trắng, đội mũ đen, cùng với mười hai đồng tử, cỡi ngựa trên mặt nước biển Tây, bay nhanh như gió, tên là Hà Bá Sứ Giả)”.

Tên gọi Kappa ở Nhật cũng xuất phát từ nguyên ngữ này. Nó đồng nghĩa với Hà Tông. Tín ngưỡng Hà Bá cũng rất thịnh hành ở Việt Nam; cho nên tục ngữ Việt Nam thường có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.

Truyền thuyết của Hà Đồng vốn phát xuất rất sớm từ vùng thượng du của lưu vực Hoàng Hà; xưa kia gọi là Thủy Hổ , hay Hà Bá. Về truyền thuyết của Hà Đồ, khi vua Đại Vũ quản lý Hoàng Hà, có 3 báu vật là Hà Đồ (Bản Đồ Sông Nước), Khai Sơn Phủ ( Búa Mở Núi) và Tỵ Thủy Kiếm (Kiếm Tránh Nước). Truyền thuyết cho rằng Hà Đồ do vị Thủy Thần là Hà Bá trao cho vua Đại Vũ. Vua phục nghi quan sát rất kỹ lưỡng đối với sự hưng suy của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, thời tiết, khí hầu, cây cỏ, v.v. Có hôm nọ, bỗng nhiên giữa Hoàng Hà xuất hiện một con Long Mã, ông thấy chấn động tâm thần, tự thân cảm xúc được sự linh thiêng của trời đất, tự nhiên. Nhà vua phát hiện trên thân con ngựa có đồ hình, rất tâm đầu ý hợp với ý tưởng về quá trình quán sát vạn vật. Phục nghi đi qua thân con ngựa, quan sát thật kỹ, vẽ ra đồ hình Bát Quái. Từ đó, đò hình trên thân con ngựa kia được gọi là Hà Đồ.

Trong Sơn Hải Kinh có giải thích rằng: “Phục Nghi đắc Hà Đồ, Hạ nhân nhân chi, viết Liên Sơn (Phục Nghi có được Hà Đồ, người Hạ nhân đó gọi là Liên Sơn)”. Ngay như Kinh Quái của Phục Nghi cũng xuất phát từ nguồn gốc hiện tượng thiên văn, có căn nguyên từ Hà Đồ. Trong bài Cửu Ca của Khuất Nguyên cũng có thiên viết về Hà Bá.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Hà bá là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.