Duyên giác là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ duyên giác là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Ý nghĩa của từ Duyên giác

Theo Ngữ vựng Danh từ Thiền học

Theo Ngữ vựng Danh từ Thiền học giải thích do quán Thập nhị nhân duyên mà giác ngộ đạo Trung thừa, gọi là Duyên giác.

Theo Phật học Tinh tuyển

Duyên Giác cùng với Thanh Văn hình thành Nhị Thừa, và thêm quả vị Phật vào là Tam Thừa. Nhị Thừa được xem là Tiểu Thừa, còn Phật Thừa là Đại Thừa. Duyên Giác là người không ý cứ vào lời dạy của người khác, tự mình quán pháp Duyên Khởi mà khai ngộ. Đối xứng với hàng Thanh Văn thì nghe pháp Tứ Đế mà khai ngộ; trong khi đó, hàng Duyên Giác lại quán Thập Nhị Nhân Duyên mà chứng ngộ.

Duyên Giác có hai loại: loại độc hành như con Tê Giác, và loại tập trung thành nhóm tu tập.

Theo Từ điển Phật học Việt Anh – Thiện Phúc

1. Duyên giác nghĩa là riêng tư, cá biêt, đơn độc. Chữ duyên giác dùng để chỉ một cá nhân đơn độc, không có bất kỳ sự giúp đở nào của ngoại tại nhưng có thể đạt đến cảnh giới A La hán.

2. Nhân Duyên Giác: Bích Chi Phật—Nhờ thiền quán theo pháp nhân duyên (pháp quán mười hai nhân duyên để đạt được giác ngộ của Phật giáo) mà giác ngộ thành Phật Bích Chi. Không như Phật toàn giác, Thanh văn Duyên giác chỉ tự giác chứ không giác tha. Bậc Độc Giác không chia xẻ với kẻ khác sự hiểu biết mà mình đã gia công tìm kiếm về những phương tiện để đạt tới Niết Bàn. Bậc Độc Giác tin rằng, những người khác, khi bị thực tế khắc nghiệt của những khổ đau trên trần thế thúc đẩy, cũng sẽ đi vào con đường thánh thiện, nhưng Duyên Giác không bận tâm tới việc dạy bảo hoặc giác ngộ chúng sanh. Các bậc nầy cho rằng sự giác ngộ là một thành tựu về phương diện cá nhân chứ không phải về phương diện xã hội hay vũ trụ

3. Bích Chi Ca La Phật hay Độc Giác Phật: Còn gọi là Bích Chi, Bích Chi Ca Phật, Duyên Giác, hay Độc Giác, là người tự tu tự giác ngộ và nhập Niết bàn trong thời không có bậc Chánh Đẳng Chánh giác, cũng giúp người giác ngộ, nhưng chỉ trong giới hạn nào mà thôi. Duyên Giác chẳng có khả năng nói rõ về chân lý cho người khác như Phật Toàn Giác

4. Độc Giác Phật hay Bát Lạt Ê Già Phật Đà: Người tự tu tự ngộ hay những người sống tu cách biệt khỏi nhân quần xã hội và tự đạt được giác ngộ, đối lại với nguyên tắc vị tha của Bồ Tát

5. Danh từ Duyên Giác không hạn chế trong Phật giáo, nhưng nó bao hàm những vị sống đời cách biệt, tự mình quán sát về ý nghĩa của cuộc đời, nhìn hoa rơi lá rụng mà giác ngộ.

Theo Từ điển Phật Quang

Duyên giác chỉ cho người tu hành ngộ đạo một mình. Tức là bậc Thánh ở đời không có Phật, không thầy chỉ dạy, một mình ngộ đạo, ưa sự vắng lặng, không thích thuyết pháp giáo hóa. Thanh văn và Duyên giác gọi là Nhị thừa, nếu cộng thêm Bồ tát nữa thì là Tam thừa.

Theo các luận Đại tì bà sa, Câu xá và Du già sư địa thì có hai loại Độc giác là Bộ hành độc giác. và Lân giác dụ độc giác. Theo luận Câu xá quyển 12 thì Bộ hành độc giác là chỉ cho vị Thanh văn đã chứng quả Bất hoàn, khi muốn đạt đến quả A la hán thì không nương nhờ Phật mà tự tu tự ngộ. Còn Lân giác dụ độc giác thì chỉ cho những vị tự tu hành một trăm đại kiếp tích chứa đầy đủ thiện căn công đức mà đạt được giác ngộ.

Có thuyết cho rằng Bộ hành độc giác vốn chỉ cho các bậc Thanh văn Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Nhưng có thuyết lại nói các Bộ hành độc giác trước là dị sinh (phàm phu), từng tu Thuận quyết trạch phần của Thanh văn, sau tự ngộ đạo, do đó mà có tên là Độc thắng. Đây là căn cứ vào thuyết vị tiên tu khổ hạnh bắt chước cử chỉ của loài khỉ mà tự chứng ngộ ghi chép trong kinh Bản sự, tức ý muốn nói rõ Bộ hành độc giác là dị sinh phàm phu. Bộ hành độc giác tu hành phần nhiều sống trong Tăng đoàn, còn Lân giác dụ độc giác thì thường tu một mình trong rừng núi không ưa kết bạn, cho nên ví dụ là Lân giác (sừng con kì lân: vật hiếm thấy).

Cứ theo luận Đại trí độ quyển 18 thì Bích chi phật có hai loại là Độc giác bích chi phật và Nhân duyên giác bích chi phật.

1. Độc giác bích chi phật lại có hai hạng:

a. Tiểu bích chi ca phật: Vốn là hạng Hữu học, chứng quả Tu đà hoàn sau bảy lần thụ sinh, trở lại nhân gian nhằm đời không có Phật mà tự ngộ thành đạo, tương đương với hàng Thanh văn đắc quả trong Bộ hành độc giác.

b. Đại bích chi ca phật: Tức là người ở trong trăm kiếp tu hành tăng trưởng phúc tuệ mà thành bậc Thánh có được 31 tướng, 30 tướng, 29 tướng cho đến một tướng, tương đương với Lân giác dụ độc giác.

2. Nhân duyên giác bích chi phật:

Do quả báo của phúc đức hạnh nguyện đời trước, nên đời này không cần phải theo người khác nghe pháp mà tự mình có khả năng phát ra trí tuệ và chỉ nhờ nhân duyên nhỏ như thấy hoa bay lá rụng mà giác ngộ. Bậc này tương đương với dị sinh phàm phu trong Bộ hành độc giác.

Luận Du già sư địa quyển 34 cũng nêu rõ ba loại Độc giác: Loại thứ nhất tương đương với Đại bích chi ca phật, loại thứ hai tương đương với Nhân duyên giác, loại thứ ba tương đương với Tiểu bích chi ca phật. Tứ giáo nghi quyển 3 dẫn văn của luận Đại trí độ, nói rằng, Độc giác có hai loại lớn nhỏ, Nhân duyên giác cũng có hai loại lớn nhỏ. Nhưng thuyết này e không đúng. Hoa nghiêm hành nguyện phẩm sớ sao quyển 4 cũng nêu ra ba loại Duyên giác:

  • 1. Duyên giác của Duyên giác, loại này đồng với Nhân quả câu.
  • 2. Duyên giác của Thanh văn, trong đây, nhân là chỉ cho Thanh văn, quả chỉ cho Duyên giác.
  • 3. Duyên giác của Bồ tát, trong đây, nhân là chỉ cho Bồ tát, quả chỉ Duyên giác.

Đại thừa nghĩa chương quyển 17 nêu bốn cách phân biệt Thanh văn, Duyên giác:

  • 1. Thanh văn chứ không phải Duyên giác, tức là hạng Thanh văn.
  • 2. Duyên giác chứ không phải Thanh văn, tức là hạng Lân dác dụ.
  • 3. Vừa là Thanh văn vừa là Duyên giác, tức là Bộ hành.
  • 4. Vừa là Duyên giác vừa là Thanh văn, tức là Nhân duyên giác.

Lại đem so sánh Thanh văn và Duyên giác thì có năm điểm giống nhau và sáu điểm khác nhau. Năm điểm giống nhau:

  • 1. Cùng thấy chân lí, cùng thấy lí sinh không.
  • 2. Cùng dứt chướng, cùng đoạn phiền não của bốn trụ.
  • 3. Tu hành giống nhau: cùng tu 37 phẩm trợ đạo.
  • 4. Được quả giống nhau: Cùng được quả tận trí và vô sinh trí.
  • 5. Chứng diệt giống nhau: Cùng chứng Niết bàn hữu dư, vô dư.

Sáu điểm khác nhau:

  • 1. Căn tính khác nhau: Thanh văn căn tính chậm lụt, Duyên giác căn tính nhạy bén.
  • 2. Chỗ nương khác nhau: Thanh văn nương vào thầy, Duyên giác không nương vào ai.
  • 3. Nhờ duyên khác nhau: Thanh văn nhờ duyên giáo pháp mà được ngộ đạo, Duyên giác nhờ duyên sự tướng hiện tiền mà ngộ đạo.
  • 4. Chỗ quán xét khác nhau: Thanh văn quán xét bốn chân đế, Duyên giác quán xét 12 nhân duyên.
  • 5. Hướng và quả khác nhau: Thanh văn có bốn hướng bốn quả, Duyên giác có một hướng một quả.
  • 6. Sự thông dụng khác nhau: Thanh văn dùng 2.000 quốc độ làm cảnh giới chung, Duyên giác dùng 3.000 quốc độ làm cảnh giới chung.

So sánh giữa Duyên giác và Bồ tát thì có một điểm giống nhau và 10 điểm khác nhau. Một điểm giống nhau là đã vào trong Thánh vị rồi thì không bao giờ trở lui. Còn mười điểm khác nhau:

  • 1. Nhân khác nhau: Phúc thiện đời trước của Duyên giác nhỏ hẹp còn phúc thiện của Bồ tát thì rộng lớn.
  • 2. Căn tính khác nhau: Duyên giác căn tính chậm lụt, Bồ tát căn tính nhạy bén.
  • 3. Tâm lí khác nhau: Duyên giác sợ khổ, Bồ tát không sợ.
  • 4. Chỗ tỏ ngộ khác nhau: Duyên giác quán 12 nhân duyên mà tỏ ngộ lí sinh không, còn Bồ tát quán tất cả pháp mà tỏ ngộ Nhị không (Nhân không, pháp không).
  • 5. Khởi hạnh khác nhau: Duyên giác tu hạnh lợi mình, Bồ tát tu hạnh lợi mình và lợi người.
  • 6. Dứt chướng khác nhau: Duyên giác dứt phiền não chướng, Bồ tát đoạn phiền não chướng và sở tri – chướng.
  • 7. Được quả khác nhau: Duyên giác được Tiểu niết bàn, Bồ tát được Đại niết bàn.
  • 8. Hiện thần thông giáo hóa khác nhau: Duyên giác chỉ hiện thần thông chứ không nói pháp, Bồ tát thì vừa hiện thần thông lại vừa nói pháp.
  • 9. Sự thông dụng khác nhau: Duyên giác và Thanh văn chỉ có một tâm một tác dụng, không thể có nhiều tâm nhiều tác dụng; còn chư Phật và Bồ tát có thể cùng một lúc hóa hiện tất cả sắc tướng trong 10 phương thế giới và các loại thân trong năm đường để độ chúng sinh.
  • 10. Thể nghĩa khác nhau: Thân trí công đức của Duyên giác đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, còn Niết bàn của Bồ tát thì thường, lạc, ngã, tịnh.

Sự so sánh trên đây là thuyết của Đại thừa, còn Tiểu thừa thì cho rằng bất luận là Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát, cuối cùng đều qui về trạng thái khôi thân diệt trí (thân ra tro trí diệt mất). Hàng Duyên giác chỉ có hạnh lợi mình chứ không có tâm lợi người, cho nên không khởi được tâm đại bi cứu độ chúng sinh, vì thế khó chứng được quả vị Phật.

Nếu so với Thanh văn thì Duyên giác là hàng lợi căn, nhưng so với Bồ tát thì Duyên giác lại là hàng độn căn. Bởi thế, kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) quyển 6, gọi Thanh văn là Tiểu thừa, gọi Bồ tát là Đại thừa, và gọi Duyên giác là Trung thừa. Còn Đại phẩm thập địa thì gọi Duyên giác là Chi phật địa (Bích chi phật) ở trên Dĩ biện địa và dưới Bồ tát địa, tức là địa thứ 8 trong 10 địa của Thông giáo. Chính Chi phật địa cũng có phần trong Thập địa.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Duyên giác là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Ngữ vựng Danh từ Thiền học
  • Phật học Tinh tuyển
  • Từ điển Phật Quang