Danh sắc là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ danh sắc là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Ý nghĩa của từ Danh sắc

Theo Rộng mở tâm hồn

Sắc chỉ tất cả hình thể vật chất nhận biết được bằng các giác quan; danh chỉ các tên gọi được hình thành để chuyển tải khái niệm nhận biết phân biệt về từng đối tượng trong thực tại.

Danh sắc cũng được xem như tên gọi khác của năm ấm (hay năm uẩn). Trong năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) thì sắc được tách riêng vì có thể nhận biết bằng các giác quan; còn thọ, tưởng, hành và thức được gọi chung là “danh” vì chúng là những pháp trừu tượng, không có hình sắc, không thể nhận biết bằng các giác quan mà chỉ có thể đề cập đến bằng tên gọi (danh).

Theo Từ điển Đạo uyển

1. Khái niệm chỉ hai yếu tố quan trọng nhất của con người, gồm tinh thần và thân thể. Sắc (s, p: rūpa) là uẩn thứ nhất trong Ngũ uẩn và Danh (s, p: nāma) là bốn uẩn còn lại. Danh sắc chính là toàn bộ yếu tố cấu tạo thành còn người. Danh sắc là yếu tố thứ tư trong Mười hai nhân duyên, được sinh ra khi một Thức (s: vijñāna, yếu tố thứ ba) đi vào bụng mẹ và kết thành một cá nhân mới.

2. Thuật ngữ được dùng trong văn học Áo nghĩa thư cổ xưa để biểu thị các hiện tượng vật lí trong vũ trụ

Theo Từ điển Phật Quang

Danh sắc là từ gọi chung danh và sắc, là chi thứ tư trong 12 chi nhân duyên. Cũng gọi danh sắc chi. Thông thường gọi một cách tổng quát tất cả tinh thần (danh) và vật chất (sắc). Danh nói về phương diện tâm, sắc chỉ phương diện vật.

Danh sắc cũng chỉ chung cho năm uẩn. Trong năm uẩn, Thụ, Tưởng, Hành, Thức là tâm pháp; tâm không có hình thể, phải nhờ danh biểu hiện, cho nên gọi Thụ, Tưởng, Hành, Thức là danh. Sắc uẩn do cực vi tạo thành, là vật thể có chất ngại, nên gọi là sắc.

Về ý nghĩa của danh sắc, giữa các tông phái có sự giải thích khác nhau. Hữu bộ đứng trên lập trường Thai sinh học để lí giải 12 duyên khởi, chủ trương mỗi chi trong 12 chi duyên khởi đều lấy năm uẩn làm thể. Trong đó, năm uẩn của sát na đầu tiên lúc thụ thai kết sinh, gọi là thức, chi Thức. Sau khi thụ thai, bốn sắc căn: mắt, tai, mũi, lưỡi chưa thành, sáu chỗ chưa đủ, gọi là danh sắc, chi Danh sắc. Nhưng tông Duy thức thì cho chi Danh sắc là chủng tử của dị thục uẩn, tức là năm chi thức v.v… nhờ chi Vô minh và chi Hành giúp đỡ mà dẫn sinh ra quả ở vị lai, gọi là Chủng tử danh ngôn của Dị thục vô kí, trong đó, ngoại trừ chủng tử của bản thức, sáu căn, xúc, thụ, còn lại đều là danh sắc. Hoặc có thuyết nói, chủng tử của năm uẩn đều là danh sắc.

Ngoài ra, nếu giải thích 12 duyên khởi trên quan điểm luận lí và quan hệ, thì duyên thức mà có danh sắc, duyên danh sắc mà có lục xứ, tức danh sắc là đối tượng của thức nương vào cơ năng của lục xứ, rồi do thức nhận biết tất cả pháp.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu danh sắc là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Rộng mở tâm hồn
  • Từ điển Đạo uyển
  • Từ điển Phật Quang
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.