Cam lộ là gì?
Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ cam lộ là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.
Ý nghĩa của từ Cam lộ
Từ điển Phật Quang
Cam lộ dịch ý: bất tử, chất lỏng bất tử, rượu trời. Tức là thuốc thần không chết, rượu thiêng của cõi trời. Trong Phệ đà bảo rượu Tô ma là thứ rượu các thần thường uống, uống vào có thể không già không chết, vị ngọt như mật, cho nên gọi là Cam lộ (nước thơm ngọt). Cũng dùng cam lộ để thí dụ pháp vị của Phật pháp là vị mầu nhiệm nuôi dưỡng thân tâm chúng sinh. Mật giáo thì gọi nước gội đầu của hai bộ chân ngôn bất nhị là Cam lộ bất tử.
Chú Duy ma kinh quyển 7 chép:
– Thập nói: các trời đem những thứ thuốc danh tiếng bỏ vào trong biển, nhờ núi báu xoa xát mà thành cam lộ, uống rồi thành tiên, gọi là thuốc không chết (…).
– Sinh nói: Thức ăn của trời là vị cam lộ, ăn được sống lâu, bèn gọi là thức ăn không chết.
Kinh Vô lượng thọ quyển thượng nói: Nước tám công đức, phẳng lặng tràn đầy, trong trẻo thơm tho, mùi như cam lộ.
Ngoài ra Cam lộ là một trong ba danh hiệu của Phật A di đà (Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Cam lộ). Mật giáo gọi đức Phật A di đà là vua Cam lộ.
Từ điển Phật Quang
Rộng mở tâm hồn
Phạn ngữ là amṛta, phiên âm là a-mật-lý-đa, chỉ loại nước mà chư thiên dùng để uống, nên cũng gọi là thiên tửu. Cam lộ có vị ngọt, được tin là uống vào sẽ được sống lâu, thân thể an ổn khỏe mạnh, nên cũng gọi là bất tử dược. Pháp Phật làm lợi ích thân tâm cho tất cả chúng sinh nên thường được ví như nước cam lộ.
Phật học Tinh tuyển
Cam Lồ âm dịch là A Mật Rị Đa, A Mật Lật Đa, ý dịch là Bất Tử (không chết), Bất Tử Dịch (chất dịch bất tử), Thiên Tửu (rượu trời).
Cam Lồ là loại thuốc thần diệu bất tử, rượu linh trên trời. Trong kinh Phệ Đà (Veda) có nói rằng Rượu Tô Ma là loại mà các vị thần thường hay uống, khi uống nó vào có thể không già, không chết, vị của nó ngọt như mật, cho nên gọi là Cam Lồ. Người ta còn lấy Cam Lồ để ví cho pháp vị nhiệm mầu của Phật pháp, có thể trưởng dưỡng thân tâm của chúng sanh.
Trong Mật Giáo gọi nước quán đảnh của hai bộ Bất Nhị Chơn Ngôn là Bất Tử Cam Lồ. Trong Chú Duy Ma Kinh quyển 7 có đoạn rằng:
“Chư Thiên dĩ chủng chủng danh dược trữ hải trung, dĩ bảo sơn ma chi, linh thành cam lồ, thực chi đắc tiên, danh bất tử dược (Các vị trời dùng nhiều loại thuốc hay đỗ vào trung biển, lấy núi báu mài với thuốc ấy, khiến thành Cam Lồ, ăn nó vào thành tiên, gọi là thuốc bất tử)”, hay “Thiên thực vi Cam Lồ vị dã, thực chi trường thọ, toại hiệu vi bất tử thực dã (Thức ăn của trời có vị Cam Lồ, ăn vào thì sống lâu, ấy mới gọi là thức ăn bất tử)”.
Trong Vô Lượng Thọ Kinh quyển thượng cũng có cho biết rằng: “Bát công đức thủy, trạm nhiên doanh mãn, thanh tịnh hương khiết, vị như Cam Lồ (Nước có tám thứ công đức vốn vắng lặng, đầy đủ, trong sạch, thơm tinh khiết, mùi vị của nó như Cam Lồ”
Tại Giang Thiên Thiền Tự ở Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc có 2 câu đối tương truyền do Hoàng Đế Càn Long ban tặng là: “Cam Lồ thường lưu công đức hải, hương vân diêu ánh Phổ Đà Sơn (Cam Lồ thường chảy công đức biển, mây hương xa sáng Phổ Đà Sơn).”
Trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu quyển 1 có bài kệ Tẩy Bát có liên quan đến Cam Lồ như: “Dĩ thử tẩy bát thủy, như thiên Cam Lồ vị, thí dữ chư quỷ thần, tất giai hoạch bão mãn. Án, ma hưu ra tất tá ha (lấy nước rửa bát này, như vị Cam Lồ trời, ban cho các quỷ thần, tất đều được no đủ. Án, ma hưu ra tất tá ha)”.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu cam lộ là gì.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo
Từ điển Phật Quang
Rộng mở tâm hồn