Bát quái là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ Bát quái là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Ý nghĩa của từ Bát quái

Bát quái là khái niệm triết học cơ bản của Trung Quốc cổ đại. Nguyên lai có hai khái niệm khác nhau:

1. Bát quái gọi là “Vô Cực sanh Hữu Cực, Hữu Cực thị Thái Cực, Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng diễn Bát Quái, bát bát lục thập tứ quái (Vô Cực sanh ra Hữu Cực, Hữu Cực là Thái Cực, Thái Cực sanh ra Lưỡng Nghi [tức âm và dương], Lưỡng Nghi sanh ra Tứ Tượng [tức Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm], Tứ Tượng diễn thành Bát Quái, tám tám sáu mươi bốn quẻ)”. Đây được gọi là Phục Hy Bát Quái hay còn gọi là Tiên Thiên Bát Quái.

2. Bát quái Là học thuyết càn khôn của Chu Văn Vương. Ông cho rằng trước có trời đất, trời đất giao nhau sinh ra vạn vật

  • Thiên là Càn (乾)
  • Địa là Khôn (坤)

Còn lại 6 quẻ kia là các con của nhà vua.

  • Quẻ Chấn (震) là con trai đầu
  • Khảm (坎) là con trai giữa
  • Cấn (艮) là con trai út
  • Tốn (巽) là con gái đầu
  • Ly (離) là con gái giữa
  • Đoài (兌) là con gái út

Đây được gọi là Văn Vương Bát Quái hay Hậu Thiên Bát Quái.

Thông thường phù hiệu Bát Quái được kết hợp với Thái Cực Đồ, đại diện cho chân lý chung cực mang tính tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc—Đạo. Bát Quái được hình thành do ba vạch, thể hiện ý tượng theo thứ tự: tên quẻ, tự nhiên, tánh tình, gia đình, thân thể, phương vị.

  • Càn (乾, ☰, Trời, khỏe mạnh, cha, đầu, Tây Bắc)
  • Đoài (兌, ☱, đầm nước, vui mừng, thiếu nữ, Tây)
  • Ly (離, ☲, lửa, tươi đẹp, gái giữa, miệng, Nam)
  • Chấn (震, ☳, sấm sét, cử động, trưởng nam, chân, Đông)
  • Tốn (巽, ☴, gió, đi vào, trưởng nữ, bắp đùi, Đông Nam)
  • Khảm (坎, ☵, nước, vùi lấp, trai giữa, lỗ tai, Bắc)
  • Cấn (艮, ☶, núi, dừng lại, thiếu nam, tay, Đông Bắc)
  • Khôn (坤, ☷, đất, thuận hòa, mẹ, bụng, Tây Nam)

Từ hình tượng phù hiệu của các quẻ như trên, Chu Hy nhà Nam Tống đã đặt ra bài ca cho các em nhỏ dễ nhớ: “Càn tam liên, Khôn lục đoạn, Chấn ngưỡng vu, Cấn phú oản, Ly trung hư, Khảm trung mãn, Đoài thượng khuyết, Tốn hạ đoạn (quẻ Càn ba vạch nối liền, quẻ Khôn ba vạch đứt thành sáu đoạn, quẻ Chấn có hai vạch trên đứt đoạn, quẻ Cấn có hai vạch dưới đứt đoạn, quẻ Ly có vạch giữa đứt đoạn, quẻ Khảm có vạch giữa liền nhau, quẻ Đoài có vạch trên đứt đoạn, quẻ Tốn có vạch dưới đứt đoạn)”.

Tại Trung Quốc, đồ hình Bát Quái thường được treo trước cửa nhà để trấn trừ tà ma, quỷ mị, bên trong có cái kính, gọi là “Chiếu Yêu Kính “. Nó có ảnh hưởng đến các phương diện bói toán, phong thủy, y học, võ thuật, âm nhạc, v.v.

Trong tác phẩm Chu Dịch Dịch Chú của Chu Chấn Phủ nhận định rằng Bát Quái có mối quan hệ giống như 4 nguyên tố hình thành vạn vật của Ấn Độ cũng như Hy Lạp cổ đại là đất, nước, gió và lửa. Ông cho rằng Bát Quái có thể phân thành 4 loại: đất hòa với núi tương thông, nước hòa với sông hồ tương thông, gió hòa với trời tương thông, lửa hòa với sấm sét tương thông.

Bát Quái cũng có mối quan hệ rất mật thiết với Ngũ Hành của truyền thống Trung Quốc:

  • Càn là trời, thuộc về Kim;
  • Đoài là sông hồ, thuộc về Kim
  • Ly là lửa, thuộc về Hỏa
  • Chấn là sấm sét, thuộc về Mộc
  • Tốn là gió, thuộc về Mộc
  • Khảm là nước, thuộc về Thủy
  • Cấn là núi, thuộc về Thổ
  • Khôn là đất, thuộc về Thổ

Về mối quan hệ với Cửu Cung, Cửu Cung là 9 phương vị được quy định trong Lạc Thư . Nhìn chung, người ta thường lấy hậu thiên bát quái đặt vào phương vị trong Lạc Thư, hình thành nên cái gọi là Cửu Cung Bát Quái.

Tại Đài Loan rất thịnh hành thuyết Bái Quái này, như dưới thời nhà Thanh có xuất hiện Bát Quái Hội, lãnh đạo nông dân khởi nghĩa và hiện tại vẫn còn địa danh Bát Quái Sơn.

Trong dân gian Việt Nam cũng rất thịnh hành một loại Bát Quái Đồ gọi là Bát Quái Đồ Trừ Tà, hay thường gọi là Bùa Bát Quái, người Tàu vẽ sẵn, bán ở các tiệm kiếng. Loại Bát Quái Đồ Trừ Tà này gồm các quẻ giống hệt Bát Quái Tiên Thiên, nhưng sắp thứ tự các quẻ theo chiều quay ngược lại.

Trong Thủy Hử Truyện, hồi thứ 87 có đoạn liên quan đến Cửu Cung Bát Quái:

“Tống Giang tùy tức điều khiển quân mã xuất thành, ly thành thập lí, địa danh Phương Sơn, địa thế bình thản, kháo sơn bàng thủy, bài hạ Cửu Cung Bái Quái trận thế, đẳng hầu gian, chỉ kiến Liêu binh phân cố tam đội nhi lai (Tống Giang vâng lời liền điều khiển quân mã ra khỏi thành, rời thành được mười dặm, có vùng đất tên Phương Sơn, địa thế bằng phẳng, nương núi tựa sông, bèn bày trận thế Cửu Cung Bái Quái; chờ đợi một lúc, chỉ thấy quân Liêu chia thành ba đội tiến đến)”.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Bát quái là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo Phật học Tinh tuyển

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.