Bản văn Cô Mười : Các bản văn chầu Cô Mười Mỏ Ba hay nhất

Các bản văn Cô Mười hay nhất thường được dùng hát thỉnh hoặc hát khi hầu đồng giá Cô Mười được Tín Ngưỡng Việt sưu tầm để giới thiệu tới các bạn.

Mẫu ban danh hiệu Cô Mười
Quyền Cô cai quản nói đồi Mỏ Ba
Đường về Tuần Quán bao xa
Cô Mười Đồng Mỏ ngự tòa sơn trang
Lưng đeo kiếm bạc cung vàng
Mỹ miều lịch sử bản làng kính tôn

Khái quát chung về Cô Mười Mỏ Ba

Cô Mười, hay Cô Mười Mỏ Ba, tương truyền là Thánh Cô hầu cần Chầu Mười, từng theo Thánh Chầu xông pha trận mặc, góp công trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc, được nhân dân ghi nhớ công ơn và phụng thờ

Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Cô Mười ngự áo màu vàng, tuy nhiên, Cô rất ít khi ngự đồng.

Là vị Thánh Cô kề cận Chầu Mười nên ở nơi thờ Chầu Mười (Mỏ Ba Linh Từ, xã Mỏ Ba, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) cũng có lầu chính thờ Cô.

Tìm hiểu đầy đủ hơn về Cô Mười Mỏ Ba

Các bản văn Cô Mười hay nhất

Dưới đây là bản văn chầu Cô Mười thông dụng được dùng khi hát thỉnh hoặc hầu giá cô:

Văn thỉnh Cô Mười

Bản số 1

Dâng căn tôn hiệu Cô Mười
Mỏ ba chốn ấy là người cùng tiên
Cô Mười Đồng Mỏ bao xa
Cô Mười nhân sắc tòa tiên cung
Đồng Mỏ Chi Lăng
Cô Mười nữ kiệu cứu dân tiền triều

Bản số 2

Cô Mười Đồng Mỏ Chi Lăng
Cờ thần kiếm bạch cứu dân phù đời
Dâng nhang tôn hiệu Cô Mười
Mỏ Ba chốn ấy là người thần tiên

Bản văn Cô Mười số 1

Ai lên Đồng Mỏ – Chi Lăng
Cô Mười nhan sắc miệng cười nở hoa
Chắp tay bái lạy Cô Mười
Hình dung nhan sắc ai mà dám đương

Xa xôi chẳng quản đường trường
Băng ngàn vượt núi, cưỡi mây đi về
Về đồng mặc áo vàng tươi
Đai hoa, khăn thắt đúng người Sơn Trang

Cô Mười đẹp tựa sao sa
Cô đẹp như sao Bắc Đẩu – Ngân Hà
Đồng Mỏ – Cô Mười vào ra
Mẫu khen Cô đẹp nhất tòa Sơn Trang

Ai lên Đồng Mỏ tìm vàng
Tâm thành khấn nguyện thỉnh ngay Cô về
Đường trường cách trở giang khê
Xe loan giá ngự về đền hôm nay

Thanh nhàn ngồi tựa đầu non
Trăng thanh gió mát véo von trên ngàn
Nắng nghe tiếng nhật, tiếng khoan
Cô Mười Đồng Mỏ đánh đàn ca ngâm

Khi gió mát lúc êm trời
Khi Cô dệt lụa, lúc lại quay tơ
Thanh nhàn hái lá đề thơ
Chơi chùa Non Nước lững lờ vào ra

Cô mười đẹp tựa Hằng Nga
Hằng Nga kém sắc, Tây Thi kém tài
Trên ngàn có một không hai
Khi xưa Cô vốn là người thần tiên

Hôm nay loan giá về đền
Vâng lệnh Mẫu truyền cứu độ trần gian
Gió đưa hoa huệ thơm lành
Giẻo tay Cô ngắt một cành phong lan

Cô đi dưới ánh trăng vàng
Dơ tay che nắng, nắng tràn khe tay
Gió đưa tà áo tung bay
Làn môi tươi thắm, lông mày kẻ cong

Cô hái hoa cúc màu vàng
Cài lên trên tóc mà lòng Cô vui
Trầu cau làm đẹp đôi môi
Rượu cần làm đẹp giáng người thần tiên

Hôm nay loan giá về đền
Mẫu yêu vì nét Tiên Cô mặn mà
Hôm nay giá ngự đền trung
Cuông phù đệ tử hưng long thọ trường.

Bản văn Cô Mười số 2

Bản văn được soạn giả Phúc Yên chỉnh soạn:

Cô Mười Đồng Mỏ – Chi Lăng
Cờ thần kiếm bạc cứu dân phù đời

Tôn nhang danh hiệu Cô Mười
Mỏ Ba chốn ấy vốn người sơn trang
Xa xôi chẳng quản dặm ngàn
Cưỡi mây nương gió xa loan ngự về

Nhang thơm tỏa ngát bốn bề
Nhất tâm phụng thỉnh Cô về ngự vui
Ngàn mây xanh thắm bầu trời
Đai hoa, khăn thắt vẻ ngời hào hoa

Nhỡn tinh lóng lánh sao sa
Mẫu khen Cô đẹp nhất tòa Sơn Trang
Suối khe róc rách gẩy đàn
Gió đưa khúc nhạc bổng khoan nhặt trầm

Hổ gầm vang động sơn lâm
Chim non ríu rít bách âm hợp hòa
Cô Mười đẹp tựa sao sa
Tây Thi thua sắc Hằng Nga kém tài

Trên đời có một không hai
Tích xưa sinh thánh là người sơn trung
Mỏ Ba, Bản Thí thổ nùng
Núi non điệp điệp trùng trùng thấp cao

Đền thiêng dấu tích ra vào
Khi lên Bắc Lệ lúc vào Suối Ngang
Líu lo chim hót trên ngàn
Phong lan đua sắc cúc vàng đua tươi

Khí thiêng thơm ngát đưa mùi
Nhang thơm khấn nguyện cô Mười giáng lâm
Độ cho sở nguyện tòng tâm
Độ cho thoát khỏi tham sân đọa đầy

Quế lan oanh yến sum vầy
Vun bồi cội phúc tháng ngày bình an
Thỉnh Cô chứng giám đàn tràng
Khuông phù đệ tử an khang thọ trường

Trên đây là khái quát chung và các bản văn Cô Mười đã được Tín Ngưỡng Việt sưu tầm để giới thiệu tới các bạn. Cám ơn các Bạn đã quan tâm.

Xem thêm

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.