Tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc là việc thờ phụng và ghi nhận công ơn những bậc danh nhân có công lao to lớn với đất nước trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chống thù địch giữ bình yên cho đất nước; chống thiên tai địch họa bảo vệ cuộc sống cho nhân dân.
Họ là những người tài đức vẹn toàn, là những vị tướng sĩ, danh y, nhà văn hóa, nhà giáo… được mọi người tôn kính. Trong tiềm thức người dân, các vị anh hùng dân tộc thường hiển linh, bảo vệ, phù hộ cho con người và cộng đồng trên nhiều phương diện của cuộc sống.
Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc ở Việt Nam nằm trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt, nó tồn tại song hành với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng và tín ngưỡng thờ Mẫu thần, nữ thần và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc xuất phát từ niềm tin của người Việt vào việc người chết vẫn có linh hồn, các linh hồn này khi lìa khỏi xác vẫn còn tiếp tục lui tới cùng người sống và hòa mình vào tất cả các hoạt động để phù trợ những điều tốt hay răn đe những hành vi sai trái.
Những linh hồn này tồn tại trong một môi trường có nhu cầu sống và điều kiện xã hội như của người đang sống, họ mong muốn được người thân nhớ đến, chăm sóc cho mộ phần chu đáo và được cúng những vật phẩm như cơm, trái cây, rượu, chè hoặc các vật dụng thường ngày như ngựa, xe, nhà, thuyền, trang phục… Khi đó, các linh hồn sẽ vui vẻ, có thiện cảm và hồi đáp lại những lời cầu khấn, mong ước của người sống. Tuy nhiên, nếu như những linh hồn bị bỏ rơi, không được chăm sóc cẩn thận họ sẽ phật ý, buồn phiền và tìm cách quấy nhiễu người sống.
Như vậy, mối liên hệ giữa những người sống và linh hồn người chết đã tạo nên một sợi dây tâm linh kết nối bền vững. Chính niềm tin con người ta có linh hồn và linh hồn trường tồn sau khi chết, linh hồn vẫn phảng phất đâu đây, vẫn giao cảm cùng cõi nhân sinh đã khiến cho người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân, anh hùng và thờ cúng các vong hồn.
Việc thờ cúng các anh hùng dân tộc xuất phát từ tấm lòng biết ơn công lao hiển hách của các danh nhân, anh hùng với nhân dân, đất nước.
Trong phạm vi gia đình, người Việt Nam thường giữ đạo hiếu, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên nên luôn hết lòng phụng dưỡng khi còn sống. Khi cha mẹ, ông bà đã khuất núi, với niềm tin linh hồn họ vẫn còn hiện diện gần gũi thì các con cháu thắp hương, dâng cúng những lễ vật thường dùng để tưởng nhớ. Tương tự như vậy, trong phạm vi rộng hơn là làng xã hay quốc gia thường hay xuất hiện những danh nhân, anh hùng. Các ngài là những vĩ nhân, những con người kiệt xuất bởi công lao to lớn đã cống hiến cho làng xã, quê hương, đất nước. Do đó, khi chết đi các ngài được dân chúng tin tưởng là đặc biệt anh linh và tôn lên làm thần. Trong số đó, có những vị được nhà vua ban chiếu sắc phong, có những vị được chính thức công nhận bởi các chức sắc của làng xã.
Việc thờ cúng các danh nhân, anh hùng dân tộc chẳng những để bày tỏ lòng biết ơn các ngài mà còn mang ước nguyện thành tâm cầu xin các ngài phù hộ giúp dân làng và tiếp tục góp công bảo vệ đất nước
Trong quá khứ, những anh hùng dân tộc đã sống, học tập, chiếu đấu, bảo vệ cho quê hương, đất nước. Người thì có công khai hoang lập quốc, người thì chữa bệnh cứu dân, người thì dạy học, dạy nghề giúp dân kiếm sống, người thì một lòng yêu nước thương nòi, đánh giặc, bảo vệ bờ cõi non sông… Tất cả những tấm gương này đã khích lệ mọi người dân sống hướng thiện, tích công đức, đoàn kết cộng đồng và khuyến khích con người sống biết vươn lên, nỗ lực phấn đấu để làm rạng danh cho gia đình, quê hương.
Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc được phục dựng và phát triển mạnh mẽ, nhằm kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa đã được bồi đắp hàng nghìn năm.
Hiện nay các loại hình thờ cúng anh hùng dân tộc tiêu biểu vẫn đang phổ biến có thể kể tới như thờ cúng anh hùng dân tộc có công lao trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm và thờ cúng anh hùng dân tộc có công trạng với nhân dân trong khai hoang lập ấp, chữa bệnh cứu người.
Sau khi thoát khỏi hơn 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, người dân đã bắt đầu tôn thờ nhiều vị anh hùng thuộc nhiều thời đại khác nhau, từ những triều đại phong kiến trước kia cho đến cả thời kỳ đấu tranh kháng chiến chống thực dân và đế quốc sau này.
Cơ sở thờ tự của các anh hùng dân tộc trải dài khắp đất nước với nhiều tên gọi khác nhau. Tùy theo từng vị trí địa lý, hay theo danh phong của các vị được thờ cúng và tùy theo kích thước to hay nhỏ của nơi thờ cúng sẽ có những tên gọi khác nhau về nơi thờ các anh hùng dân tộc.
Nơi thờ cúng những vị đại anh hùng dân tộc được gọi là đền thờ, người miền Nam lại hay gọi là miếu. Ngoài ra, các vị anh hùng dân tộc còn được thờ ở một số khu di tích ở các tỉnh trên cả nước, ví dụ: Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), Đền thờ Hai Bà Trưng (Hà Nội), Đền thờ Đức Thánh Trần (Nam Định), Thành Cổ Loa và Đền thờ An Dương Vương (Hà Nội), Đền thờ Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình), Đền thờ Lê Lợi (Thanh Hóa)…
Nơi thờ các nhà ái quốc thường gọi là nhà thờ, như nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi, hay Di tích nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nam Định, v.v…
Các danh nhân, anh hùng khác còn được thờ tại đình làng trong các dịp hội làng nếu như các vị này được dân làng chọn làm thành hoàng.
Nghi lễ thờ cúng các anh hùng dân tộc cũng có nhiều nét tương đồng với những nghi lễ thờ cúng hiện tại của người Việt. Việc thờ cúng được thực hiện vào các ngày sau:
Đặc biệt, các dịp tế lễ chính thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày đản sinh hoặc húy nhật (lễ giỗ) của các vị. Cũng có nơi tổ chức tế lễ vào dịp Xuân tế (ngày Đinh đầu tháng hai âm lịch) và dịp Thu tế (ngày Đinh đầu thánh tám âm lịch) tức là lễ Kỳ yên hay Kỳ phúc (lễ cầu an).
Lễ vật dâng cúng gồm có hương, rượu, xôi hoặc một mâm cỗ tương tự như khi cúng lễ tổ tiên. Bao giờ cũng có một vị đứng ra làm chủ lễ. Bắt đầu, vị chủ lễ thắp hương, lâm râm khấn nguyện mà không cần có văn khấn. Những người tham dự sẽ khấn vái sau vị chủ lễ.
Lễ tế thì long trọng hơn nhiều. Thường được tổ chức một hoặc hai lần mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày đản sinh, hoặc ngày lễ giỗ, hoặc dịp Xuân tế, Thu tế, tùy từng địa phương.
Lễ vật chính trong lễ tế gồm ‘vật tam sinh’ (dê, bò, heo), ngoài ra còn có hoa trái, trầu rượu, xôi bánh, v.v…
Nghi thức tế lễ rất long trọng, có người dân, các tín nam tín nữ, các hội viên hội thờ cúng và quan khách cùng tham dự. Ban tế lễ gồm có: ông chủ tế, các vị bồi tế, các vị thị lập, các lễ sinh hay trò lễ, phường nhạc bát âm. Tại miền Nam, còn có quân hầu và phụ vai vào các diên tế. Nghi thức bao giờ cũng gồm có: một tuần hương, ba tuần rượu, đọc văn tế, một tuần trà, lễ dâng bánh trái, thụ tộ và ẩm phước (ăn và uống một chút lễ vật thần ban lại cho) và sau hết là lễ hóa văn tế (đốt văn tế).
Lễ tế các nơi, nếu có khác nhau, cũng chỉ khác nhau ở một vài chi tiết nhỏ. Sau nghi thức tế, đôi khi còn tổ chức các nghi thức phụ như lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, lễ cầusiêu cho chúng sinh. Tại miền Nam còn có lệ tổ chức hát chầu.
Ngoài các ngày lễ nhất định kể trên, quanh năm ngày thường, tại các đền, miếu thờ các danh nhân anh hùng, lúc nào cũng có hoa quả, đèn, hương khói nghi ngút, hoặc do thủ tự chăm sóc hoặc do khách thiện tín vãng lai khấn nguyện.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo TÀI LIỆU KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ TÍN NGƯỠNG Ở VIỆT NAM (Viện nghiên cứu Tôn Giáo).