Thờ, Cúng, Khấn, Vái, Lạy: Ý Nghĩa & Nguồn Gốc

Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, thờ cúng là một phần không thể thiếu, là sợi dây kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của các hành động thờ cúng như thờ, cúng, khấn, vái và lạy.

Tín Ngưỡng Việt sẽ giải thích chi tiết về từng khái niệm, giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa thờ cúng của người Việt trong bài viết này

Thờ là gì?

Thờ là hành vi mang tính văn hóa, bao hàm những hành động của con người nhằm bày tỏ lòng thành kính, tôn vinh một đấng siêu nhiên như thần, thánh, tiên, Phật. Thờ cũng có nghĩa là cách ứng xử với bề trên cho phải đạo làm người như thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên hay một người mà bản thân và dân tộc mình mang ơn.

Trong thờ cúng tổ tiên, thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tâm linh, là tình cảm của con cháu hướng về cội nguồn. Thờ tổ tiên là thể hiện sự thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến tổ tiên, đồng thời thể hiện niềm tin vào sự che chở của tổ tiên đối với con cháu.

Tóm lại, thờ là bày tỏ lòng thành kính với thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người đã khuất bằng hình thức lễ nghi, cúng bái theo phong tục hoặc tín ngưỡng.

Cúng là gì?

Theo Hán ngữ đại từ điển, cúng có thể hiểu là hiến dâng, tế tự, cung phụng, hoặc vật dâng tế. Theo Từ điển tiếng Việt, cúng có nghĩa là: dâng lễ vật lên thần thánh hoặc linh hồn người chết, thường có thắp hương khấn vái, theo tín ngưỡng hoặc phong tục cổ truyền. Ở Việt Nam, cúng ở gia đình, họ tộc có nghĩa là dâng lễ vật cho tổ tiên, những người đã khuất. Cúng ở đây mang tính lễ nghi, là sự tiến hành một loạt các động tác của người thực hiện việc thờ cúng. Đó là các hoạt động dưới dạng hành lễ, được quy định bởi quan niệm, phong tục tập quán của mỗi cộng đồng dân tộc.

Thờ cúng là gì?

Thờ và cúng là hai yếu tố tác động qua lại, thống nhất với nhau trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo.

Thờ là nội dung, cúng là hình thức biểu đạt của nội dung đó. Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng ở sự trợ giúp, tránh sự quở phạt của tổ tiên là cốt lõi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có thờ mà chỉ có cúng thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên sẽ mất đi ý nghĩa thiêng liêng, dễ trở nên nhạt nhẽo, vô vị và bị mai một dần. Sự cúng, tuy chỉ là hình thức biểu đạt, nhưng nó tạo nên sự linh thiêng, huyền bí, và sức hấp dẫn. Hành vi ấy là biểu hiện cụ thể, đáp ứng nhu cầu tâm linh và củng cố niềm tin của người thờ cúng.

Khấn là gì?

Trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng có hành vi khấn vái. Khấn là những lời cầu nguyện thầm kín trong khi cúng. Nội dung của lời khấn thường đề cập đến đối tượng thờ cúng, các chi tiết về ngày, tháng, năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, tên những người trong gia đình, lời cầu xin và lời hứa.

Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn đối với tổ tiên. Vì vậy, khấn thường đi liền với vái.  

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ khấn vái trong câu:

Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra

Vái là gì?

Vái thường được thực hiện khi đứng.

Vái là động tác chắp hai tay trước ngực, đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng, sau đó ngẩng lên, đưa hai tay lên xuống nhịp nhàng.

Tùy theo từng trường hợp mà người ta vái 2, 3, 4 hay 5 vái.

Lạy là gì?

Lạy là hành động bày tỏ sự tôn kính sâu sắc đối với người trên hoặc người đã khuất có vai vế cao hơn mình.

Có hai cách lạy: cách lạy của nam và cách lạy của nữ. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy.

Mỗi trường hợp đều có mang ý nghĩa khác nhau.

Thờ, cúng, khấn, vái và lạy là những hành động thờ cúng quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Mỗi hành động đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với tổ tiên, thần thánh. Hiểu rõ về các hành động này sẽ giúp chúng ta gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về văn hóa thờ cúng của người Việt. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác, xin vui lòng để lại bình luận bên dưới.