Tết Đoan Ngọ: Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục từng miền

Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Thiên Trung Tiết hay Địa Lạp Tiết, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người Việt. Rơi vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, Tết Đoan Ngọ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, sâu bọ và cầu mong sức khỏe, bình an cho cả gia đình.

Hãy cùng khám phá nguồn gốc, ý nghĩa và những phong tục đặc sắc của ngày Tết này trên khắp mọi miền đất nước.

Nguồn gốc và Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Tet Doan Ngo

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết nắng nóng, oi bức tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, côn trùng sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm con người dễ nhiễm bệnh, vì vậy Tết Đoan Ngọ ra đời với mục đích xua đuổi tà ma, sâu bọ gây hại, bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Phong tục Tết Đoan Ngọ

Phong tục chung

Dù ở bất kỳ vùng miền nào, Tết Đoan Ngọ đều có những phong tục chung như:

Ăn các món diệt sâu bọ: Cơm rượu nếp, hoa quả, bánh gio (tro), nước dừa… được xem là những món ăn truyền thống giúp thanh nhiệt, giải độc và tiêu diệt mầm bệnh trong cơ thể.

Hái lá thuốc: Giờ Ngọ (11 giờ trưa – 1 giờ chiều) là thời điểm được cho là tốt nhất để hái lá thuốc. Các loại lá như ngải cứu, sả, tía tô, kinh giới… được phơi khô và sử dụng làm thuốc chữa bệnh hoặc nước tắm.

Tắm/xông nước lá: Việc tắm hoặc xông bằng nước lá thơm như lá mùi, lá bưởi, lá tre… giúp thanh lọc cơ thể, xua đuổi tà khí.

Cúng gia tiên: Mâm cúng gia tiên với các món ăn truyền thống là cách thể hiện lòng thành kính và cầu mong sự phù hộ của tổ tiên.

Cúng đình, chùa: Lễ cúng tại các đình, chùa nhằm cầu mong thần linh bảo vệ cộng đồng khỏi bệnh dịch và tai ương.

Ở các vùng ven biển hay sông nước thì vào giờ Ngọ sẽ xuống nước/biển để gột rửa cơ thể.

Canh hoa trang

Phong tục tại miền Bắc (+ Bắc Trung Bộ)

Ăn các món diệt sâu bọ

Cơm rượu nếp miền Bắc là dạng rời, có hai loại cơm rượu là làm từ nếp cẩm (màu đỏ) và nếp cái hoa vàng (màu vàng).

Bánh gio (tro) miền Bắc là không nhân, ăn kèm mật mía (đường mật), rưới trực tiếp lên bánh hoặc chấm ăn.

Một số món ăn nữa như trứng luộc (có nơi người lớn khi vừa mới ngủ dậy phải súc miệng 3 lần, ăn một quả trứng vịt luộc thì mới được bước ra khỏi giường), ăn kê lẫn với đường cát và bánh đa, ăn dưa hấu với đường cát (một số nơi bắt buộc phải có trên bàn thờ), hoặc ăn quả xanh, rau sống (vị đắng mà nhiều người không chịu được), bữa ăn gọi là “ngũ khổ tạng” được chế biến đặc biệt bằng các món sau: gan, tim, phổi, thận, lá lách. Ngoài ra còn làm cả bánh trôi bánh chay nữa.

An cac mon diet sau bo

Tục chúc tết – sêu tết

Đoan ngọ là dịp thăm hỏi người thân (bao gồm cả Bố mẹ vợ) đến những người mang ơn như thầy giáo, thầy thuốc (trong giới tâm linh là thầy chùa, thầy đồng, thầy cúng, các nơi huyền môn cúng tổ thỉnh phù, thuốc dùng cả năm), mọi người sẽ biếu tết thường là ngỗng hoặc vịt với đậu xanh hay dưa hấu với đường, đặc biệt tết đoan ngọ xưa có lệ những chàng trai đã hỏi vợ nhưng chưa cưới phải đi sêu nhà bố mẹ vợ tương lai, vật phẩm thường là vài chục con chim ngói, đôi ngỗng, gạo nếp, đậu xanh đậu đen, đường đen, hoa quả…

Áo Dấu

Mang áo mới trẻ con đến các đình đền để xin dấu, vẽ bùa vào áo từ các thầy pháp, bà đồng cho trẻ con mặc, áo này gọi là “áo dấu”, với quan niệm trẻ con mặc áo sẽ được sự bảo hộ của thần linh. Hoặc mang vải lụa đến xin dấu, vẽ bùa ròi đem về may áo cho trẻ con, giới con buôn chờ đến ngày này tụ họp lại các ngôi đền nổi tiếng linh thiêng mà đem vải lụa ra bán tại chỗ, tiện lợi cho thiện nam, tín nữ.

Đeo chỉ ngũ sắc cổ tay và may bùa làm từ vải vụn the, vụn lụa may bằng chỉ ngũ sắc thành những túi nhỏ đựng bột nhang, thần sa, hạt mùi già, hình hoa quả như đào, khế, ớt, lựu, cà, chanh, hoa sen, con vật như lợn, trâu, vật dụng như quả cầu, cái quạt, bầu rượu, túi thơ, thẻ bài… kèm theo đó là cục hùng hoàng gọt thành hình con lợn, con trâu (hoặc bằng gỗ), quả lựu bằng bạc, cái khánh bằng thiếc, đồng tiền nhuộm đỏ cùng với trống nhỏ khảm xà cừ, tất cả được nối với nhau bằng chỉ ngũ sắc, được đeo vào nút hoặc đeo vào cổ để tránh tà, xua đuổi rắn rết ( hùng hoàng) và gió độc (hạt mùi già). gọi là niệt, bùa tua bùa túi, bùa chỉ ngũ sắc, bùa chỉ Đoan Dương, dây trường mệnh. Xuất hiện trong văn Cô Ba Tây Hồ và được buôn bán nhiều ở phố Hàng Mụn (bây giờ là Hàng Bút). Gốc có thể là từ loại bùa túi thơm Đoan Ngọ bên Trung Quốc (mà còn giữ nguyên kiểu dáng ở cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, em sẽ nói ở phần miền Nam) tuy nhiên đã biến đổi thành 1 kiểu riêng của miền Bắc Việt Nam.

ngay tet doan ngo xua

Phụ nữ gội đầu mong rằng có mớ tóc đuôi gà dài và mềm mại hơn, ngoài tắm nước lá thảo mộc thì người ta thay bằng nước hoa nhài hoặc hoa diên vĩ.

Dùng lá ngải (hoặc các lá thuốc khác như sả…) tết thành bức tượng nhỏ đại diện cho vị thần của gia đình (gọi là Chương), hoặc tết thành hình con giáp của năm, một số vùng thay treo ngải bằng nhánh xương rồng, lá liễu… đặt ở cửa nhà để xua đuổi những ảnh hưởng xấu và trừ gió độc.

Ở thành phố không dễ hái lá thuốc thì có những gánh thuốc thường đi bán rong vào ngày này, những lá thuốc sau khi mua hay hái lá mùng 5 sẽ cho vào rổ treo trước cửa nhà.

Đồ đạc bằng gỗ, giấy, sách vở được phơi nắng để tránh nấm mốc.

Bôi hùng hoàng hoặc rượu, vôi vào trán, cổ, gáy, thái dương, thóp, ngực, rốn trẻ em để trừ tà.

Tán nhỏ hùng hoàng rồi cho tan vào rượu trắng rồi pha thêm chút nước, cho người lớn uống ngụm nhỏ rượu hùng hoàng để trừ tà (cảnh báo ko bắt chước thời nay, ngộ độc). Ngoài ra thì thưởng thức rượu xương bồ (hoặc rượu thuốc nam) để trừ tà và uống cho khỏe.

Vào giờ Ngọ thì ngoảnh mặt về hướng mặt trời, vén lông mi và nhỏ 3 giọt nước mưa hòa muối (có chỗ là nước chanh), mắt sẽ sáng, rõ hơn và không bị đau nữa.(cảnh báo ko bắt chước)

Nếu trời mưa to đúng giữa trưa thì chặt tre để hứng lấy trong ruột tre một thứ nước thần kỳ có khả năng chữa được đau mắt và đau bụng, hoặc có tư liệu nếu trời mưa xối xả vào trưa hôm đó thì lập tức đi chặt thân tre có mấu, bên trong ống tre này sẽ tìm thấy “nước thần thủy”, đem đun sôi thứ nước này với gan con rái cá sẽ được sản phẩm chữa trị bệnh đau mắt và đau bụng.

Tục đổ bệnh cho cây: cởi áo đánh trần xoa vào cây chuối để hết rôm sảy, đứng giữa trưa ngửa mặt lên trời hoặc nuốt hoa vừng sẽ khỏi bệnh về mắt, chị em phụ nữ thắt chặt bụng bằng dây vôi, sau một thời gian thì cởi dây ra buộc vào cây hoặc cột nhà sẽ hết đau lưng và đau bụng phụ nữ nước ta dễ bị.

Khảo cây bói quả: với những cây ít quả thì vào Đoan Ngọ sẽ tiến hành “khảo”, nếu có hai người thì một người ở dưới dùng vồ, dao, gậy hoặc chày đập mạnh vào cây ba cái vừa hỏi/đe dọa cây ra quả, người kia ở trên cây sẽ đóng giả cây hứa sẽ ra quả, nếu một người thì sẽ dưới đập vào cây thôi.

Đến Tết Đoan Ngọ thì người ta nhuộm móng tay móng chân cho con trẻ, nhuộm bằng lá móng, lá móng sau khi được giã nhỏ sẽ thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay móng chân, trừ ngón trỏ (ngón thần chỉ) rồi lấy lá vông hoặc lá mướp bọc lại, buộc cố định qua đêm, sáng hôm sau mở ra các móng đều có màu đỏ tươi, sẽ xua đuổi tà ma và sâu bọ trong bụng. Hoặc cũng có thể những màu cây khác như chàm, nghệ, hoa hòe để nhuộm móng tay cũng có thể trừ tà. Ở khu vực Nghệ Tĩnh ngoài lá móng thì người ta còn dùng vỏ dâu da

Tết Đoan Ngọ sẽ xâu lỗ tai cho bé gái, vừa để làm đẹp vừa đánh dấu sự trưởng thành của bé gái

Những người bán rong cơm rượu sẽ treo trên những gánh cơm rượu lủng lẳng một ít lá thuốc và một ít chùm ớt, bán trái cây rong ngoài đường phố ít nhất sẽ thấy chùm ớt treo trên gánh hàng rong, các gánh hàng và quầy hàng thực phẩm sẽ được treo một gói ớt hoặc một bó xương rồng, hoặc lá dứa để giữ “vệ sinh” khỏi các loại sâu bọ và tà ma có nguy cơ làm nhiễm độc thức ăn.

Ở lễ cúng ngoài đình, đền, chùa… ngoài xin sự bảo hộ của thần linh thì mọi người nhờ thầy pháp làm lễ thế thân (có thể làm ở nhà) bằng cách đốt những hình nhân bằng tre và giấy (tùy theo giới tính gia chủ) cùng với một số đồ lễ khác, được gửi đến các thế lực dưới địa ngục để thay thế cho gia chủ. Một số vùng thì cuối buổi lễ cầu thần linh ở đình, đền,… thì người ta đốt vàng mã, vừa chạy vừa khiêng tất cả binh lính (giấy mã) của đạo quân ôn thần đến tận đầu làng để đốt, làm như thế thì các quan ôn, ôn thần, cả quan lẫn lính (gồm cả yêu quái, tà ma, sâu bọ, tà khí chướng khí em nói trên), đã được tống tiễn cùng với ngựa, súng ống (vũ khí) và vội vã ra khỏi “biên giới” (này có vẻ là kết hợp luôn với tống ôn Kỳ Yên ở miền Bắc)

Những thầy phù thủy, pháp sư điều khiển buôi lễ ngày hôm đó sẽ trao cho mọi người những lá bùa mà họ sẽ phải dán lên cửa, đầu giường, hay đeo vào khuy áo mình cũng như khuy áo mọi người trong gia đình, để bảo vệ mọi người khỏi lũ ôn dịch, mặc dù đã cúng lễ trọng hậu vẫn phải đề phòng bọn nó quay trở lại.

Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh ko biết sao vào thời điểm này thì thạch sùng (thằn lằn) đều trốn mất tăm, ko thể tìm ra được. Nếu bắt được một con vào giờ Ngọ thì là quý giá vô kể, người ta cho rằng nếu cho nó lội vào một chậu nước, rồi dùng nước đó tắm cho trẻ em, thì sẽ mát da ít rộm sẩy, sài nhọt, nói chung là trừ các bệnh tật trong năm

Ở Nghệ Tĩnh vào dịp này người ta còn đua nhau đi mót lúa chét, là những hạt lúa trổ sau khi cây lúa đã gặt. Những hạt ấy để khô giã thành gạo, để lâu năm gọi là trần mễ là thuốc quý hiếm: “gạo trần mễ ai hệ được ăn” là thế. Lại có nơi người ta ra hái nụ hoa cây vừng nuốt tại chỗ, tin rằng nuốt vào sẽ sáng mắt.

Phong tục miền Trung

Cơm rượu nếp ở miền Trung màu trắng, dược nén thành từng khối vuông vắn.

Món ăn đặc trưng ở miền Trung là thịt vịt, tính hàn sẽ giúp cân bằng khí huyết vào thời tiết oi bức, nóng nực của Tết Đoan Ngọ. Ở một số tỉnh. thường có tục lệ con rể biếu quà bố mẹ vợ bằng thịt vịt.

Món ăn đặc trưng nữa là chè kê, cũng có tác dụng cân bằng vào thời tiết nắng nóng của Đoan Ngọ.

Phong tục Miền Nam

Cơm rượu nếp miền Nam có màu trắng, được vê thành viên tròn.

Bánh gio (tro) miền Nam là có nhân, ngoài ra miền Nam vào Đoan Ngọ còn phổ biến món chè trôi nước và món bánh ú bá trạng của người Hoa.

Người Hoa Chợ Lớn vào Đoan Ngọ sẽ mua bó lá treo trước cửa nhà, theo nguyên gốc Trung Hoa thì sẽ treo một nắm cây ngải cứu, xương bồ trước cửa nhà để trừ tà ma, loại bỏ tà khí, tránh côn trùng quấy phá. Ở Chợ Lớn ngoài hai loại trên thì bó lá được người dân treo còn đa dạng hơn, một bó lá xông giải cảm tiêu bệnh thường gặp gồm: lá liễu, khuynh diệp, ngũ trảo, lá sả, lá tre, bồ diệp,… thường được treo trước cửa nhà dịp Tết Đoan Ngọ để lấy may mắn, trừ tà khí, nhà cửa thơm tho đón nhiều hảo vận không, khi khô còn có thể xông hơi giải cảm, phòng ngừa côn trùng; cây xương rồng theo văn hóa dân gian khi treo trong nhà có thể giúp trừ tà ma, âm khí hay âm khí thậm chí còn có thể dự họa báo phúc, nhiều gia đình sau khi cúng gà lúc chính Ngọ, thường vặt luôn hai cái chân gà đem treo cùng bó lá, khi chân gà khô co quắp lại thì năm ấy gia đình buôn bán thuận lợi, còn chân gà khô mà xòe ra là gặp vận hạn. Chú ý treo bó lá trước giờ Ngọ ba khắc để được hiệu quả cao nhất. Người Hoa Chợ Lớn sẽ treo bó lá này cả năm đến khi Đoan Ngọ năm sau sẽ thay bó mới. Người Kinh khu vực Sài Gòn-Gia Định có lẽ do ảnh hưởng nên cũng treo bó lá kiểu giống người Hoa Chợ Lớn vào Đoan Ngọ, mình thấy hết Đoan Ngọ là bỏ xuống (đun nước tắm hay thuốc…), nhưng mình hỏi ông bạn trong đấy thì bảo người ta cũng giống người Hoa Chợ Lớn là treo cả năm, chắc là những khu vực gần Chợ Lớn.

Ở Chợ Lớn vào Tết Đoan Ngọ có một tập tục từ Trung Hoa là may túi thơm – lá “bùa” phòng bệnh vào Tết Đoan Ngọ, túi thơm này được may bằng chỉ ngũ sắc (đỏ, vàng, tím, lục, lam), vải túi thơm là những mảnh vải vụn, bên trong gói những loại lá xua đuổi côn trùng và thơm như thương thuật, sơn nại, bạch chỉ, xương bồ, hoắc hương, bội lan, xyên cung, hương phụ, bạc hà, hương duyên, thân di, ngãi diệp. Loại gốc ở Trung Hoa, xem chừng cũng là gốc của bùa tua bùa túi ở miền Bắc, còn túi thơm Chợ Lớn vẫn giữ nguyên trạng so với bản gốc

Miền Tây thì có một số món ăn Đoan Ngọ đặc trưng là bánh xèo, cháo gà, cháo vịt, heo quay

Canh hoa trang

Tết Đoan Ngọ không chỉ là một ngày lễ truyền thống mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn là dịp để mọi người sum vầy, tận hưởng những món ăn ngon và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của từng vùng miền. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về ngày Tết đặc biệt này.

Nguồn tham khảo

  • https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_%C4%90oan_ng%E1%BB%8D
  • Kỹ thuật người An Nam – Henri Oger
  • https://www.facebook.com/Nghilevietnam.vietlac
  • https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/tim-hieu-cac-phong-tuc-trong-ngay-tet-doan-ngo-o-c-1356922

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.