Hội vật Mai Động
Hội vật Mai Động diễn ra vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm tại đình Nghè thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Mục Lục Bài Viết
Thần tích thành hoàng làng Mai Động
Những năm đầu Công nguyên, ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) có chàng Tam Trinh cao lớn khỏe mạnh, say mê vật võ, đã tìm đến lò vật của quê nhà xin học.
Sau khi thành đô vật giỏi, lại có ít vốn chữ nghĩa thánh hiền, ông ra xứ Bắc, vừa thỏa chí du ngoạn vừa thăm thú đất nước, Ông dừng chân ở hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay), miền đất có rừng mơ nổi tiếng (sau thuộc trấn Sơn Nam Thượng, và nay là huyện Thanh Trì). Nơi đây cảnh trí kỳ vĩ, dân làng hiền lành, cần cù lao động nhưng nghèo vì không có nghề gì khác ngoài ít ruộng cày cấy chẳng đủ ăn. Ông dựng nhà bên sông Kim Ngưu rồi mở trường dạy văn, dạy võ cho người địa phương, không lấy học phí. Thanh thiếu niên theo học rất đông. Ông đào tạo họ hết lớp này đến lớp khác. Rồi ngoài nghề nông, ông lại dạy cho dân biết làm thêm đậu phụ để sinh sống.
Dân làng quý mến, tôn ông làm Châu trưởng. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng truyền hịch khắp nơi kêu gọi mọi người đứng lên cứu nước, diệt Thái thú Tô Định tàn ác. Ông liền tập hợp 3.000 dân binh, xếp thành quân ngũ, thẳng hướng Hát Môn đến ra mắt Hai Bà. Từ lâu đã nghe tiếng đồn về tài đức của ông, nên khi vừa gặp mặt Hai Bà liền mở tiệc mừng và giao cho ông một đội quân lớn để tiến đánh Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) là sào huyệt của kẻ thù
Trước sức tấn công bất ngờ và mạnh mẽ của ta, quân giặc tan rã nhanh chóng. Ông lập tức báo công với Hai Bà và cùng Hai Bà liên tục tiến công truy quét giặc. Chẳng bao lâu quân ta đã thu cả 65 thành về một mối. Tên Thái thú Tô Định phải trốn chạy về nước, nhưng rồi cũng bị triều đình nhà Hán xử tử.
Đất nước trở lại thanh bình.
Vua Đông Hán rất tức giận, vào mùa hè năm 42 lại sai Mã Viện kéo đại quân sang đánh nước ta. Đến mùa hè năm 43 thì giặc đã đến Cổ Loa. Thế giặc quá mạnh, ông Tam Trinh lui về Mai Động đào hào đắp lũy chống giặc. Khi nghe tin Hai Bà tuẫn tiết ở sông Hát, ông liền quyết một trận sống chết với quân giặc. Giặc đông ta ít, cuối cùng ông phải hy sinh vào đêm mồng 10 tháng 2 năm ấy.
Vô cùng thương tiếc và ghi nhớ công ơn của ông với đất nước và dân làng, người Mai Động liền dựng đền và đình thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng và là tổ sư nghề vật.
Câu đối ở đình ghi:
Đức bác thánh văn truyền Việt địa
Ung dung Thần vũ chấn Nam thiên
德博聖聞傳越地
雍容神武震南天
Tạm dịch:
Văn thánh đức cao truyền đất Việt
Vũ thần vui mạnh dậy trời Nam
Đền thờ nơi ông ngự, giếng ngọc nơi ông tắm, nay vẫn còn. Năm 1986, đền và đình Mai Động được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử.
Lễ hội vật làng Mai Động
Hằng năm dân làng mở hội 3 ngày, từ mồng 4 đến mồng 6 tết. Trong hội, ngoài nghi thức lễ thần, làng còn tổ chức thi vật trên “đống vật” để giữ gìn truyền thống thượng võ do ông khởi xướng, và để rèn luyện lòng dũng cảm, nuôi dưỡng chỉ khí anh hùng cho trai làng.
Hội vật Mai Động được nhiều nơi biết và đến tham gia, nên tháng 2 năm 1946 cuộc thi vật đã kéo dài đến 6 ngày liền. Năm 1995, có tới 100 đô từ Bắc Ninh và các huyện Từ Liêm, Thanh Trì (Hà Nội) về dự đấu.
Trong các cuộc đua tài do Sở Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức, các đô Mai Động đã giành nhiều huy chương, đem lại niềm vinh dự cho quê hương, như đô Nguyễn Văn Dụng đoạt huy chương đồng năm 1961, và đô Nguyễn Văn Tiến đoạt huy chương bạc năm 1961, huy chương vàng năm 1962.
Đội vật Mai Động đã được Sở Thể dục Thể thao Hà Nội tặng thưởng 5 cờ luân lưu và bằng khen về giải đồng đội.
Lò vật Mai Động hiện nay vẫn là nơi rèn luyện thanh thiếu niên trong làng, quyết tâm giữ vững truyền thống thượng võ, góp phần gìn giữ và làm cho nền thể dục thể thao cổ truyền của dân tộc ngày thêm vững mạnh.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Hội vật Mai Động
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- https://nhandan.vn/hoi-vat-lang-mai-dong-post316916.html
- Sách Lễ Hội Việt Nam (PGS. Lê Trung Vũ và PGS.TS. Lê Hồng Lý) – NXB Văn Hóa Thông Tin.
Xin trân trọng cám ơn!
Xem thêm các lễ hội tại Quận Hoàng Mai – Hà Nội