Hàng năm, cứ vào mồng 10 tháng Giêng, người dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại nô nức mở hội làng truyền thống, tưởng nhớ công ơn Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương và Vũ sứ thần – tổ sư nghề thêu. Nổi tiếng với tục rước kiệu độc đáo “đi nghiêng nhìn nhau” cùng màn chạy cờ đầy kịch tính, hội làng Triều Khúc là nét đẹp văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Thông tin chính
Với những thông tin sau về hội làng Triều Khúc:
– Thờ:
– Thời gian: Mồng 9 đến 12 tháng giêng
– Chính hội: Mồng 10 tháng giêng
– Địa điểm: Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì
– Đặc điểm
Đã từ lâu đời, nằm ngay bên cạnh thủ đô phồn hoa và nhộn nhịp có một làng quê năm nào cũng lặng lẽ mở hội theo lệ làng. Dù không tuyên truyền ồn ào, song hội làng cũng được khách thập phương biết đến. Đó là làng Triều Khúc, tên nôm là kẻ Đơ, thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo quốc lộ 6, đường Hà Nội Hòa Bình, tới cây số 8, khách dừng lại rẽ trái khoảng 200 mét là đến làng. Kẻ Đơ xưa nổi tiếng là nơi se tết thao làm quai nón (nón quai thao), làm duyên cho các cô gái quê thời ấy. Làng còn nổi tiếng với nghề thêu may tuyệt xảo.
Triều Khúc xưa thuộc trang Khúc Giang, sau này dân quen gọi là làng Đơ Đồng, khi có nghề thao thì gọi là Đơ Thao; trước thuộc tỉnh Hà Đông, nhưng từ năm 1961 nhập vào huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là làng cổ, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử vẫn còn giữ được vẻ đẹp riêng cho mình bằng những cây đa, giếng nước, đình, chùa gần như nguyên vẹn, vẫn nằm chung trong cảnh quan quen thuộc của vùng quê Bắc Bộ. Người Triều Khúc thường lấy đó làm niềm tự hào
Làng Triều Khúc có 2 ngôi đình. Đình Sắc là nơi giữ sắc thờ và đình Lớn (đình Đại) là đình chính, nơi thờ vị Thành hoàng vốn là anh hùng dân tộc thế kỷ thứ VIII: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người mà hằng năm làng vào đám để ghi nhớ công tích. Ngoài ra trong đình còn có bàn thờ Vũ sứ thần, người có công truyền nghề thêu cho dân.
Về ngôi đình này, theo tục truyền được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ (802), khi đó chỉ là ngôi miếu nhỏ. Khi Phùng Hưng mất, con ngài là Phùng An lên ngôi, nhớ công đức của Phụ vương bèn cho các bậc hiển thần đi tìm nơi có dấu tích của ngài để lập đền thờ. Đến mùa xuân năm Tân Mùi (851), ngôi miếu nhỏ ở Triều Khúc được xây dựng lại thành Đại cổ miếu. sau, trải qua loạn lạc, không có dấu tích gì về việc sửa chữa tôn tạo. Tới đời Hậu Lê, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (Canh Thân – 1740) mới được trùng tu. Hơn một thế kỷ sau, vào năm Minh Mệnh thứ 20 (Kỷ Hợi – 1839) mới lại được trùng tu. Song đợt trùng tu tôn tạo lớn nhất để thành ngôi đình như ngày nay là vào năm 1935.
Về lịch sử của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, có lẽ người Việt ai ai cũng biết. Riêng ở trong đình làng Triều Khúc còn giữ được một văn bản rất chi tiết về toàn bộ lai lịch của ngài. Song ở đây chúng tôi xin ghi lại đôi dòng theo Đại Việt sử ký toàn thư, phần ngoại kỷ, quyển 5.
“Năm Tân Mùi (791), Đường Trinh Nguyên năm thứ 7, mùa xuân, An nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng tư, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm tại huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766- 780) đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hải hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô quân, Hải xưng là Đô bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái). Và hằng năm hội làng được mở nhằm nhắc nhở công lao to lớn ấy của ông.”
Trước kia, hội làng Triều Khúc kéo dài từ mồng 9 đến rằm tháng giêng. Những năm kinh tế khó khăn thì hội rút ngắn lại, kết thúc vào ngày 13 tháng giêng. Mọi việc trong hội được dân làng chuẩn bị chu đáo theo hương ước truyền thống. Làng Triều Khúc gồm 5 xóm: Cầu, Án, Lẻ, Đình và Chùa. Năm xóm này được hình thành từ 6 giáp, và các công việc đình đám, lễ lạt trong năm đều do các phe giáp đảm nhận theo sự phân công chặt chẽ từ trước.
Theo lệ làng, cứ ba năm người ta lại bầu ra một cai hội. Trong suốt ba năm đó, cai hội phải lo liệu tất cả các chi phí liên quan đến hội như lễ vật, ăn uống chung, sắm sửa đồ dùng cho ngày hội. Các lễ riêng của phe giáp thì do phe giáp tự lo liệu. Vì vậy, việc chọn cai hội phải rất kỹ càng. Đó phải là người “thuần túy” đối với dân (theo cách nói của người làng nghĩa là trung thực và hết lòng vì dân), con cái phải đầy đủ, vợ chồng phải trọn vẹn… Trong thời gian làm cai hội, nếu gia đình có chuyện như tang chế thì phải nghỉ để người khác thay thế. Người làm cai hội được làng cấp 3 mẫu ruộng công để trang trải chi phí. Ông từ trông nom đình cũng được cấp vài sào ruộng để chi dùng vào việc đèn hương.
Dù thời gian hội kéo dài trong ba, bốn hay năm ngày, các hoạt động chính chỉ diễn ra từ chiều mồng 9 đến hết ngày 12 tháng giêng. Những ngày sau đó dành cho dân làng vui chơi và khách thập phương cùng người làng dâng hương thờ thánh.
Trước Tết, trong khi các gia đình sửa soạn đón năm mới, ông thủ từ cũng phải dọn dẹp và trang hoàng đình để chuẩn bị cho dân làng đến lễ và dự hội vào năm mới. Trong quá trình chuẩn bị, nếu cai đám thấy thiếu những gì mà không thể tự lo liệu trong phạm vi của mình, như đồ thờ, sửa chữa đường sá, phải báo ngay để làng huy động mọi người đóng góp. Mọi việc phải được hoàn thành đúng hạn.
Ở Triều Khúc, người ta đã phân công sẵn thành các đội, ban tham gia hội, như đội tế, đội múa rồng, đội xình tiền, ban nhạc, đội rước, đội chạy cờ… Theo lệ, những đội này hoàn toàn tự lo liệu việc tập luyện để khi vào đám là khớp với các bộ phận khác. Việc tham gia vào đội nào đều do tự nguyện, nhưng vẫn cần có sự xem xét của các cụ và bà con trong làng. Một khi đã được chọn lựa, ai cũng hăng hái lo liệu đạo cụ và tập luyện rất say mê.
Hội làng mở đầu bằng một đám rước trang trọng và quy mô, rước triều phục hoàng đế của Phùng Hưng từ đình Sắc lên đình Đại (khoảng 500 mét) để thờ trong những ngày hội.
Đây là nghi thức kỷ niệm ngày Phùng Hưng đăng quang. Điểm đặc sắc thu hút mọi người chính là trang phục lộng lẫy và cầu kỳ của những người tham gia đám rước, thể hiện đúng truyền thống của một làng nghề chuyên sản xuất đồ thêu may thờ cúng.
Điểm độc đáo không chỉ nằm ở đội hình mà còn ở tư thế di chuyển của những người trong đám rước. Họ đi thành hai hàng nhưng luôn luôn nghiêng người và nhìn về phía nhau. Vì vậy, đám rước di chuyển rất chậm và cẩn thận. Đoạn đường chỉ dài nửa cây số nhưng phải mất gần hai giờ mới hoàn thành. Ngay cả trong những năm tổ chức hội lệ, ít nhất cũng phải rước long đình đến đình Đại
Tiếp theo là đám rước nhỏ hơn, gọi là rước văn. Hằng năm, trước dịp hội, phe tư văn mời một cụ giỏi chữ nghĩa nhất trong phe để viết chúc văn tế thánh. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, cụ soạn bài văn tế rồi cất giữ cẩn thận ở nơi trang trọng trong nhà, chờ ngày làng đến nhận. Và như vậy, ngay sau cuộc rước mũ áo của đức thánh, một vài chức sắc cùng đại diện ban khánh tiết và các chân kiệu mang long đình sẽ đi rước văn tế từ nhà cụ soạn văn ra đình Đại. Đám rước tuy đơn giản nhưng rất nghiêm trang, bởi đây là tấm lòng thành của dân làng gửi gắm trong bài văn ca ngợi công đức của ngài và những mong cầu được thánh che chở.
Văn tế được rước đến đình vào lúc chiều tà. Cuộc tế lễ đầu tiên là lễ nhập tịch, bắt đầu trong không khí trang trọng của buổi tối đầu xuân. Tiếng chiêng trống, tiếng nhạc rộn rã hòa cùng giọng tế của hai vị đông xưởng, tây xướng, cùng với ánh đèn nến sáng rực càng làm tăng thêm vẻ thiêng liêng của buổi lễ. Bên trong và ngoài đình, người xem đông nghịt, chen chúc nhau để nhìn rõ nghi lễ và chờ đợi buổi lễ của làng kết thúc để được vào dâng hương cầu thánh ban cho một năm mới thịnh vượng.
Ngày mồng 10 được chờ đón với niềm vui lớn lao vì là ngày chính hội. Mở đầu là cuộc tế uy nghi trong dịp tế xuân lớn của làng.
Từ sáng sớm không khí hội đã tưng bừng trong các ngõ, xóm. Nhà nhà chuẩn bị làm cơm, làm cỗ và sắm lễ vật ra đình. Những người có chân trong việc hội đều hối hả chuẩn bị quần áo, mũ miện cùng mọi thứ rồi đi tìm nhập vào các đội, ban của mình.
Đình làng từ tinh mơ đã mở rộng cửa, đèn nến sáng trưng trên các bàn thờ, khói hương tỏa thơm khắp nơi, đồ khí trượng đã được lau chùi bóng loáng. Người ra vào tấp nập, khẩn trương, trang trọng. Hai bên nhà tả mạc và hữu mạc người đến dự hội bận rộn với mâm lễ vật dâng thánh. Ban khánh tiết lo điều khiển công việc, không khí thật là vui. Các cụ thất, cụ bát, cụ thượng được phân biệt theo màu sắc áo quần, gần đến giờ hành lễ cũng lục tục ra tề tựu hai bên tả hữu đình, ai ngồi vào chỗ nấy. Những người trong chân tế đã trang phục đầy đủ, chuyển dần vào vị trí của mình. Các nhạc công, múa bồng, hiệu trống, chiêng cũng vậy. Tất cả hồi hộp, sẵn sàng đón chờ giờ phút trang nghiêm đang đến gần. Tiếng pháo nổ râm ran, tiếng người nói cười, cùng đủ màu cờ, sắc áo tạo thành một quang cảnh thật ngoạn mục. Người trong làng cũng như khách thập phương lần lượt đổ về đình với đủ thứ lễ vật muôn màu muôn vẻ, tìm chỗ để xem hội và đợi giờ vào dâng hương lễ thánh.
Khoảng 9 giờ sáng, người nào việc nấy đều đã sẵn sàng ở vị trí của mình. Ba hồi trống chiêng từ phương đình nổi lên dõng dạc và âm vang. Cuộc tế cử hành tại gian giữa. Ban nhạc tề tựu phía ngoài, giữa nơi tiếp giáp với phương đình. Cảnh trí từ ngoài như sau: qua cửa tam quan tới sân nhỏ hình tròn, tiếp đến là phương đình với hai bên cửa phương đình được đặt trống và chiêng cùng ngựa gỗ và các đồ tế khí. Giữa phương đình sẽ là chỗ để múa bồng, tiếp đến là ban nhạc và khu vực tế lễ. Hai bên tả hữu đình là nơi quan viên và các cụ ngồi dự lễ.
Dứt ba hồi trống chiêng, dàn bát âm bắt đầu khởi khúc nhạc dạo đầu. Sau đó đông xướng và tây xướng phát lệnh tuần tế thứ nhất.
Trong lúc tế lễ, ngoài dàn bát âm đệm theo tuần tế là tiếng chiêng trống điểm trong suốt thời gian tế. Đồng thời đội múa bồng cứ mỗi tuần tế lại biểu diễn một đợt rất đẹp và vui mắt.
Trang phục của người múa bồng rực rỡ, thể hiện rõ tài năng thêu may của một làng thủ công truyền thống. Người múa mặc quần áo the trắng với khăn nhiễu vuông đội đầu, trên khăn còn được thêu cầu kỳ có điểm những hạt bột màu lóng lánh, ngực đeo yếm lá sen, váy hồng hoặc vàng, thắt lưng nhiễu thả các dải lớn nhỏ cả trước và sau, thêu rất cầu kỳ, chân cũng đi giày vải. Xưa kia múa bồng thường do bốn người đàn ông trung niên đảm nhiệm. Người ta chọn những người khéo léo, mảnh mai, cùng tầm thước, múa dẻo, mặt mũi đẹp để khi phấn son trang điểm giả trang cho giống phụ nữ. Trống và quai trống cũng là những dây thêu nhiều màu. Những người múa bồng ngoài việc múa dẻo lại phải hơi ưỡn ẹo làm cho trò này tuy trang nghiêm nhưng lại sinh động.
Cùng lúc trong đình tế lễ, ngoài phương đình múa bồng, thì ngoài sân trước cửa phương đình và trước cổng tam quan là đám múa lân hoặc múa rồng cũng rộn ràng uốn lượn theo tiếng trống phách. Cũng cần nói thêm là ở đám rước ngày hôm trước, đoàn múa rồng đi vừa có tính chất dọn đường vừa để tạo không khí sôi nổi. Đội múa rồng Triều Khúc nổi tiếng từ lâu đời, ngày nay trong những dịp hội lớn của thành phố hay của các tỉnh bạn, đội múa vẫn được mời đi biểu diễn.
Cứ như vậy, sự vui nhộn và ồn ào, sôi nổi của đám múa rồng và múa bồng bổ sung cho sự nghiêm trang, kéo dài của cuộc tế bên trong. Người xem có thể chạy ra chạy vào theo dõi các tuần tế, song cũng thưởng thức luôn không khí hội hè ngay tại sân đình.
Khi các tuần tế đã hoàn tất thì các đội, các ban, các cụ thọ lần lượt theo lứa tuổi, cùng các quan viên vào lễ tạ. Sau đó dân làng và khách thập phương vào dâng lễ cầu thánh. Gần đúng ngọ, các cụ theo lệ tiệc, vào hàng lối, thụ lộc tại chỗ.
Khách thập phương dâng lễ xong thì vẫn cảnh đình, thăm làng, thăm chùa… Trong lúc này, các trò vui như đánh cờ, đá cầu, chọi gà, tổ tôm, bắt vịt… diễn ra chung quanh đình càng náo nức hơn. Buổi chiều, khoảng 3 giờ lại tiến hành tế một lần nữa và kết thúc ngày hội.
Trước kia, khi hội kéo dài đến ngày 15 thì trong các ngày từ mồng 10 trở đi đều diễn ra tuần tự hai lần tế cùng các trò vui khác, cho đến 15 tháng giêng thì giã đám và chạy cờ. Còn nếu ít ngày như hiện nay thì tế gia đám vào ngày 12 và chạy cờ luôn.
Ngoài các trò chơi như đã biết thì đấu vật Triều Khúc thật đáng lưu ý. Trong dân gian đã lưu truyền nhiều chuyện ly kỳ về các đô của làng. Vì thế sới vật hằng năm ở hội thu hút nhiều đô quanh vùng như kẻ Đăm, Mai Động… về dự. Thường các đô của làng vẫn luôn chiếm được nhiều giải cao.
Người đến dự hội có thể đi từ nơi này sang nơi khác xem tế, rồi lễ thánh, xem múa bồng, múa rồng và dự các trò vui khác cho đến hết ngày hội.
Trong suốt hội ngoài những cuộc tế chính thức đều có các cuộc dâng lễ của từng nhóm như hội các cụ, hội lão bà, các dòng họ… sau đó cùng nhau ăn uống tại đình hay về một gia đình nào đó, tùy nghi. Một số người đi làm ăn xa quê, nay nhân dịp năm mới, dịp hội về lễ thánh. Những người có lòng hảo tâm muốn cung tiến đồ thờ hay tiền bạc cho hội đều được làng trân trọng và nhận lễ. Tất cả những việc làm ấy đều mang những ý nghĩa cao đẹp nhằm tỏ lòng biết ơn tổ tiên và cũng là thắt chặt mối tình bằng hữu trong cộng đồng.
Ngày 12 thường là ngày dân làng tập trung đông hơn cả, vì sau tế lễ có tục chạy cờ (hay múa cờ). Đó là điểm đặc sắc nhất của hội làng Triều Khúc. Lễ tế hôm nay cũng y như ngày mở hội mồng 10. Có điều càng về cuối thì những trò chơi ngoài bãi quanh đình vẫn dần. Người ta đổ dồn về đình. Khi tuần tế cuối cùng sắp chấm dứt, không ai bảo ai, đám đông chen chúc xem tế trong đình dần dần tản ra phía cửa để tìm chỗ đứng thuận lợi xem chạy cờ.
Lễ hội múa cờ, còn gọi là bắt quân, bắt nguồn từ truyền thuyết Phùng Hưng tuyển mộ nghĩa sĩ đánh giặc. Từng là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi tấn công thành Tống Bình (sau này là thành Thăng Long), làng Triều Khúc được ông chọn làm nơi huấn luyện và tuyển chọn binh sĩ cuối cùng. Điệu múa cờ này chính là để tái hiện lại sự kiện lịch sử đó.
Sau khi tế lễ kết thúc, tiếng tù và, thanh la, trống, mõ nổi lên dồn dập như khí thế xuất quân. Một lá cờ đại được kéo lên trước cổng đình (nay là cột cờ giữa ao trước đình). Đội nghĩa quân tập trung theo vị trí đã định. Người cầm cờ, người cầm kích, kẻ cầm xà mâu, mác, chùy, dùi đồng, phủ việt, đao, kiếm… lần lượt chạy ra từ trong đình. Đến cửa đình, họ chia làm hai, một nửa chạy sang phải, một nửa chạy sang trái rồi cùng tiến về phía trước. Đoàn quân rầm rập tiến bước như những chiến binh ra trận. Đường chạy là khoảng cánh đồng trước cửa đình theo hình chữ nhật, chu vi khoảng 1 km. Đoàn quân vừa chạy vừa reo hò, vừa múa các vũ khí trên tay. Thời gian chạy được tính toán sao cho hai bên gặp nhau ở đoạn đường đối diện thẳng vào cửa đình thì dừng lại. Tại đây, họ múa các vũ khí trên tay như một cuộc giao chiến bằng cách múa chéo nhau nhiều lần. Sau đó, mỗi bên lại chạy theo hướng của mình, tạo thành vòng khép kín trở lại đình.
Hàng ngàn người dõi theo đoàn quân chạy cờ, bàn tán, bình phẩm sôi nổi. Tiếng tù và, tiếng trống ngũ liên đổ liên hồi. Không chỉ đứng xem, rất nhiều người còn hăng hái chạy theo đoàn múa cờ, tiếng reo hò náo nhiệt khiến không khí hội càng thêm sôi động. Khi đoàn quân tới đình, mọi người đổ dồn tới chăm sóc họ như chào đón quân chiến thắng trở về. Tiếng trống chiêng, tiếng nhạc vẫn âm vang sôi động. Sau khi về đầy đủ và chỉnh đốn lại hàng ngũ, đại diện ban khánh tiết dẫn hai đội vào hậu cung lễ tạ thánh. Tiếp theo họ là ban nhạc, các đô vật, đội múa rồng, múa lân cùng bà con dân làng vào lễ tạ đức thánh. Ngày hội kết thúc trong không khí vui vẻ của các bàn tiệc theo thứ bậc thụ lộc của thánh.
Người dân còn chờ đợi đến đúng một tháng sau đó (12 tháng 2) sẽ có một nghi lễ khác liên quan đến đức thánh Phùng Hưng. Tương truyền đó là ngày Phùng Hưng dựng cờ nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược Cao Chính Bình. Về sau, dân làng lấy ngày đó làm lễ tế cờ nhằm ghi nhớ chiến công của ngài.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Hội làng Triều Khúc.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu: