Vương Mẫu : Thiện Đạo Quốc Mẫu
Mục Lục Bài Viết
Thuận Thiên Hoàng Hậu
Sử sách hiện nay không ghi chép rõ ràng về mẹ đẻ của Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng cho ta biết Thụy Bà nhận nuôi Quốc Tuấn làm con. Xét sự việc được ghi chép như sau:
“Mùa xuân, tháng 1, đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1). Vua tự viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiểu, hoà, tổn, ôn, lượng, cung, kiệm. Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn. Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thể nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cao cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: “Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hẳn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”
Như ở trên đã nói, nửa đêm bà đến gõ của điện xin vua trần Thái Tông cứu Quốc Tuấn, kết hợp với việc Quốc Tuấn lên vào nhà của Nhân Đạo Vương mà Nhân Đạo Vương không hay trong khi bà đã biết cho phép ta suy đoán rằng Thụy Bà nuôi Quốc Tuấn từ nhỏ chứ không phải nhận Quốc Tuấn làm con nuôi trên danh nghĩa và tình cảm của bà dành cho Quốc Tuấn là tình mẫu tử thật sự.
Bấy giờ ta đặt ra câu hỏi: Tại sao Thụy Bà lại nhận nuôi Quốc Tuấn từ nhỏ?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải là: Quốc Tuấn không có sự chăm sóc của mẹ ngay từ nhỏ và cha vì công việc hay một lí do nào khác không lo được đầy đủ cho Quốc Tuấn.
Ta nhớ lại sự việc diễn ra năm 1237 khi Trần Thủ Độ ép Thuận Thiên vào cung vua ở với Trần Cảnh, rồi Trần Liễu làm loạn, thất thế xin đầu hàng, bị tước hết quyền đưa đi an tri ở đất Yên Sinh. Rõ ràng khi vào cung với mục đích sinh cho đương kim hoàng thượng người nối dõi (dù rằng lúc này bà đã có mang Quốc Khang 3 tháng) thì Thuận Thiên không thể mang con theo, dù là con nhỏ. Trần Liễu sau khi thất bại trong vụ làm loạn thì cũng không còn tâm trí đâu mà lo cho con nữa. Vì lẽ đó Thụy Bà mới nhận nuôi Quốc Tuấn (cũng có thể là dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ).
Một việc nữa cũng giúp chúng ta củng cố giả thiết đó là Trần Thủ Độ vốn là người mưu lược, sắp đặt công việc rất chu đáo nên Quốc Tuấn khó có thể có được địa vị nếu không phải là cháu ngoại của Trần Thị Dung.
Căn cứ vào các phân tích trên chúng ta đưa ra nhận định: Thân mẫu của Trần Quốc Tuấn là Hiển Từ Hoàng hậu Lý Thuận Thiên, ông là con thứ hai của bà Thuận Thiên và Trần Liễu.
Dưới đây là đôi nét lịch sử về Hoàng Hậu Thuận Thiên:
Thuận Thiên hoàng hậu (1216 – 1248), là Hoàng hậu thứ 2 của Trần Thái Tông của nhà Trần, chị của Chiêu Thánh hoàng hậu. Bà là mẹ ruột của Trần Thánh Tông và cũng là mẹ ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cuộc đời bà xoay quanh việc phế lập Hoàng hậu của Trần Thái Tông bởi bàn tay sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ.
Bà là con gái trưởng của Hoàng đế Lý Huệ Tông và Thuận Trinh hoàng hậu, tên húy là Oanh tước phong ban đầu là Thuận Thiên công chúa.
Bà có em gái là Chiêu Thánh công chúa, vị công chúa sau này được vua cha Lý Huệ Tông nhường ngôi, trở thành Hoàng đế cuối cùng của nhà Lý, Lý Chiêu Hoàng.
Năm 1225, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, cháu của đại thần phụ chính là Trần Thủ Độ và nhà Lý chấm dứt sau hơn 200 năm trị vì. Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông, và Chiêu Hoàng được phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu của Trần Thái Tông.
Năm 1226, Trần Cảnh lên ngôi, tức là Trần Thái Tông. Năm 1234, anh trai ông là Trần Liễu được sắc phong làm Hiển hoàng, Thuận Thiên công chúa được gả cho Trần Liễu.
Năm 1236, Hiển hoàng phạm tội chèo thuyền giang dâm với cung phi nhà Lý, bị giảng làm Hoài vương.
Năm 1237, do vua Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu, sau khi Thái tử Trần Trịnh chết yểu, vẫn chưa có con nối ngôi vua nên Thái sư Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải bỏ Chiêu Thánh lấy bà, lúc đó bà đang có mang ba tháng, vì thế Chiêu Thánh bị phế ngôi và bà được phong làm Thuận Thiên hoàng hậu.
Năm 1248, bà qua đời, thọ 32 tuổi. Thụy hiệu là Hiển Từ hoàng hậu.
Sử không ghi rõ bà sinh được bao nhiêu người con, nhưng những người sau đây là chính xác:
+ Với Trần Liễu:
– Vũ Thành vương Trần Doãn, tháng 7 năm 1256, sau khi Hiển Từ hoàng thái hậu mất, bị thất thế nên đem cả nhà trốn sang nhà Tống, thổ quan Tư Minh là Hoàng Bánh bắt lại đưa trả cho Đại Việt.
– Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
– Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang.
+ Với Trần Thái Tông:
– Hoàng thái tử Trần Hoàng, sau trở thành Trần Thánh Tông.
– Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.
Thiện Đạo Quốc Mẫu
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại thì Thiện Đạo Quốc Mẫu tên húy là Nguyệt, là người vợ thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu, có lẽ cũng chính vì vậy mà một số người ngầm hiểu Thiện Đạo Quốc Mẫu là mẹ ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn khi mà sử sách không nói về lai lịch mẹ ruột của ngài. Sử sách cũng hầu như không nói chi tiết về xuất thân của Thiện Đạo Quốc Mẫu.
Hiện nay ở đền Kiếp Bạc, Thiện Đạo Quốc Mẫu được thờ cạnh với An Sinh Vương Trần Liễu, còn Thuận Thiên Hoàng Hậu mặc dù là vợ của An Sinh Vương và là mẹ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng vì sau đó lại trở thành hoàng hậu của vua Trần Thái Tông nên Thuận Thiên Hoàng Hậu không được thờ cạnh An Sinh Vương Trần Liễu ở Kiếp Bạc.
Công Chúa Thụy Bà
Công Chúa Thụy Bà chính chị ruột của vua Trần Thái Tông, và là cô ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Công Chúa Thụy Bà nhận Trần Quốc Tuấn làm con nuôi và dạy dỗ Trần Quốc Tuấn Từ Nhỏ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại câu chuyện về Công Chúa Thụy Bà như sau:
Ngày 15 tháng 7 năm Tân Hợi (1251), vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.
Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương. Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cao cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:
“Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hẳn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”
Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện. Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng:
“Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật”.
Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên (Tức phủ Ứng Hoa đời sau, tương ứng với các huyện Ứng Hòa,Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay) để hoàn lại sinh vật cho Trung Thành Vương.
Đền thờ Vương Mẫu
Hiện nay, phần lớn các ngôi đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu thì cũng thờ cả Thiện Đạo Quốc Mẫu. Chỉ có duy nhất di tích đình Quan, đình Đụn ở xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội là thờ chung Trần Liễu với Hoàng hậu Thuận Thiên.
Riêng Hoàng Hậu Thuận Thiên được thờ cùng với vua Trần Thái Tông ở Di tích đền Thái Vi ở hành cung Vũ Lâm (thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình).
Trần Triều Thánh Mẫu văn
Hương một triện kính thành hai chữ.
Trước tòa tiền đệ tử quỳ tâu
Đông A khóa hội mây rồng
Đĩnh sinh đức thánh khác hầu trần gian
Mầu trăng tuyết mày ngài mắt phượng
Chút lòng tiên nguyệt sáng bằng gương
Vô vi ngũ sắc vân tường
Chúa tiên xuất thế, minh lương đương thời.
Tuổi vừa hai tám thanh kỳ,
Kết duyên càn chúa chính vì phu nhân.
Thanh tiên hây hẩy gió xuân,
Chức quế xuất đã mộng thần chiêm bao.
Thấy nhi đồng mặc áo thanh bào,
Mình vàng cốt ngọc áp vào nương long.
Mùi hương sạ trong cung vừa gặp.
Sáng bốn bề đài các Trần tinh,
Thanh tiên đồng tử giáng sinh.
Kiêm tài văn võ thông minh chút vì
Thuở đỉnh Lý ngôi trời thay đổi,
Trần anh tông trị cõi nam bang.
Đức thánh phù tá sửa sang,
Sớm khuya cất dạ thân công nào gì.
Diệt những loài Phạm Nhan, Ô Mã.
Quạt gian tà mong phá An Nam.
Mới hay tiên chẳng lụy phàm
Thanh thanh gió cuốn thổi hương lên trời.
Uy danh đấy muôn đời ký thác,
Nối dấu thiêng lừng bắc ba đông.
Dược Sơn chót vót đôi dòng,
Nam tào Bắc đẩu hổ long lai chầu.
Bạch Đằng giang trong triều một dải,
Cục thủy sơn thu lại phi phong,
Kìa mai nọ trúc ý thung,
Núi non xanh ngắt mây rồng lành sinh.
Chốn địa linh ắt sinh nhân kiệt,
Kẻ tướng tài Nam Việt nức danh,
Một bầu sơn thủy hữu tình,
Mấy tòa đá mọc rành rành như in,
Trước cửa tiền vãng lai xa mã,
Cõi bắc nam đôi ngả đều thông,
Một nhà hưởng lộc vô cùng
Phủ nam phủ lạng cùng chung đền rồng.
Sắc tặng phong anh linh đệ nhất,
Ai khói hương dằn dặt điện trung,
Đức thánh mẫu chính ngự càn cung,
Ngai vàng đức thánh đức ông các toà.
Tiểu tấu qua khấu đầu cung thủ,
Nay có nhà tín chủ cầu an,
Tâm trung can dốc lòng cầu đạo.
Đến kêu người chỉ giáo độ cho.
Hoặc là thủy phủ diêm phù,
Hay là thượng đế đức vua Ngọc Hoàng.
Phép người hiển hiện dương dương,
Dám xin thục mệnh tìm phượng hộ trì,
Hay là bá thúc cô di,
Nôi tà ngoại quỷ thần kỳ nơi đâu.
Phép tái mầu thần thông tam giới,
Thấy dấu người tà quỷ hồn kinh,
Lục thao tam lược làu thông.
Tuy rằng thần nữ anh linh tú tài.
Chúng Phạm Nhan sơn cây phá đất,
Dầu tà nào còn dám khoe khoang,
Đâu đâu phụng sự khói hương,
Cùng muôn cốt cách lại càng thần cơ.
Có khi làm gió làm mưa,
Khi về thượng giới tiên đô phi đằng.
Cũng có khi giăng giăng tưởng nguyệt.
Khi lại về ngọc điện kim lâu
Thần thông hiển hiện cơ mầu,
Tĩnh đàn giá ngự lầu lầu tường vân.
Thượng đồng lên ân cần phán bảo.
Hộ chư gia giai lão bách niên,
Dù ai túc trái tiền duyên,
Lĩnh cờ đối chiếu kíp liền tan không.
Mười ba cứ ngưỡng trông đạo thánh
Dốc một lòng thành kính dám sai.
Tiểu tôi thiển trí chi tài,
Dám xin đức thánh Như Lai hộ trì.
Nhật còn giửi Việt Nam quốc sử.
Chúc vạn niên diễn tác kim âu.
Nước yên binh khỏe dân giàu,
Nhi đồng phu phụ khấu đầu làm tôi.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Vương Mẫu.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần:
- Đức Thánh Trần
- Vương Phụ An Sinh Vương
- Phu Nhân : Thiên Thành Công Chúa
- Đức Thánh Cả
- Đức Ông Đệ Nhị
- Đức Ông Đệ Tam
- Đức Ông Đệ Tứ
- Vương Cô Đệ Nhất
- Vương Cô Đệ Nhị
- Đức ông phò mã Phạm Ngũ Lão
- Ông Tả Yết Kiêu
- Ông Hữu Dã Tượng
- Nghĩa Xuyên tướng quân
- Hùng Thắng tướng quân
- Huyền Quang tướng quân
- Cô Bé Cửa Suốt
- Cậu Bé Cửa Đông
- Ngũ Hổ Đại Tướng