Vua Cha Địa Phủ : Tìm hiểu về Địa Phủ trong Tứ Phủ

Bài viết này nhằm giới thiệu sự khác biệt giữa nguyên tắc Vua Địa Phủ trong Đạo giáo Trung Hoa và Vua Cha Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tứ Phủ của Việt Nam.

Mặc dù cả hai tín ngưỡng đều có liên quan đến Địa Phủ, nhưng quan điểm và vai trò của Vua Địa Phủ trong mỗi tín ngưỡng đều khác nhau.

Chim Phượng 2

Vua Địa Phủ theo quan điểm của Đạo giáo Trung Hoa

Như chúng ta đã biết, tín ngưỡng Tứ Phủ là Tín ngưỡng mang bản sắc của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên trong quá trình hình thành lại có phần ảnh hưởng nhất định bởi Đạo Giáo từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam. Chính vì vậy mà có nhiều sự nhầm lẫn giữa các vị thánh bên Đạo Giáo với các vị thánh trong Tín ngưỡng Tứ Phủ ở một số ngôi vị cụ thể.

Để góp phần hiểu rõ sự khác biệt này, tôi xin được giới thiệu sơ lược về ngôi vị Vua Địa Phủ theo quan điểm của Đạo giáo Trung Hoa, từ đó để bạn đọc phân biệt được với ngôi vị Vua Cha Địa Phủ theo quan điểm của Tin ngưỡng Tứ Phủ.

Theo quan điểm của Đạo Giáo Trung Hoa thì người đứng đầu của Địa Phủ chính là Phong Đô Đại Đế, dưới Phong Đô Đại Đế có 10 vị Diêm Vương gọi chung là Thập Điện Diêm Vương có nhiệm vụ cai quản 10 Điện ở dưới địa ngục.

10 vị Diêm Vương – Thập Điện Diêm Vương:

  • Nhất Điện: Tần Quảng Vương cầm sổ sống chết.
  • Nhị Điện: Sở Giang Vương coi Đẳng Hoạt Địa Ngục
  • Tam Điện: Tổng Đế Vương coi Hắc Thằng Đại Địa Ngục
  • Tứ Điện: Ngũ Quan Vương coi Chúng Hiệp Đại Địa Ngục
  • Ngũ Điện: Diêm La Vương coi Khiếu Hoán Địa Ngục
  • Lục Điện: Biện Thành Vương coi Đại Khiếu Hoản Địa Ngục
  • Thất Điện: Thái Sơn Vương coi Nhiệt Não Địa Ngục
  • Bát Điện: Đô Thị Vương coi Đại Nhiệt Não Địa Ngục
  • Cửu Điện: Bình Đẳng Vương coi A Tỳ Địa Ngục
  • Thập Điện: Chuyển Luân Vương cho đi đầu thai
Vua Cha Dia Phu

Sự khác biệt giữa Địa Phủ trong Đạo giáo với Địa Phủ trong Tứ Phủ

Có thể thấy rằng khái niệm Địa Phủ trong Đạo Giáo hoàn toàn khác so với khái niệm Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tử Phủ.

Nếu Địa Phủ trong Đạo Giáo dùng để chỉ cõi âm ty, cõi âm phủ, nơi mà linh hồn con người sau khi chết đi có tội lỗi sẽ bị chịu các hình phạt, thì Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tứ Phủ dùng để chỉ miền đất, cõi nhân gian, nơi con người đang sinh sống ở trên mặt đất.

Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta có thể phân tích một số điểm như sau:

Điểm thứ nhất: Xét một số vị thánh trong Tín ngưỡng Tử Phủ thuộc về Địa Phủ bao gồm: Quan Lớn Đệ Tứ, Chầu Đệ Tử, Chầu Bát, Chầu Mười, Quan Hoàng Mười, … tất cả các vị thánh này đều ngự áo vàng trong lễ hầu bóng và thuộc về Địa Phủ, nhưng rõ ràng các vị thánh này không phải cai quản cõi âm ty hay âm phủ, các vị thánh này lại càng không phải có nhiệm vụ xét xử và thực hiện hình phạt với linh hồn con người sau khi chết, khác hoàn toàn với các vị thần cai quản âm ty địa phủ trong Đạo Giáo. Đây là một minh chứng cho thấy khái niệm Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tứ Phủ hoàn toàn khác với khái niệm Địa Phủ trong Đạo Giáo.

Điểm thứ hai: Tứ Phủ được phân chia thành Thiên Phủ ở trên trời, Thủy Phủ ở vùng sông nước, Nhạc Phủ ở vùng rừng núi, vậy theo đúng mạch logic này thì rõ ràng Địa Phủ phải ở vùng đất đồng bằng chứ không thể là âm ty địa ngục như trong Đạo Giáo. Giả sử nếu coi Địa Phủ là âm ty địa ngục thì khái niệm Địa Phủ sẽ mất đi sự cân xứng và phù hợp với Thiên Phủ, Thủy Phủ và Nhạc Phủ, tạo ra sự khập khiễng, và mất đi tính logic.

Như vậy có thể đi đến kết luận khái niệm Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tử Phủ không giống với khái niệm Địa Phủ trong Đạo Giáo.

Canh hoa trang

Vua Địa Phủ trong Đạo giáo không phải là Vua Cha Địa Phủ trong Tử Phủ

Ở trên ta đã đi đến kết luận rằng khái niệm Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tử Phủ không giống với khái niệm Địa Phủ trong Đạo Giáo. Vậy thì rõ ràng Vua Địa Phủ trong Đạo Giáo không thể là Vua Cha Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tử Phủ, nói một cách khác Phong Đô Đại Đế hay Thập Điện Diêm Vương không phải là Vua Cha Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tử Phủ.

Hơn nữa nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng Tín ngưỡng Tứ Phủ là Tín ngưỡng của dân tộc Việt, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính vì lý do đó mà người dân Việt Nam đã lần lượt thay thế các vị thánh trong Đạo Giáo bằng các vị thánh của Việt Nam. Cụ thể như sau:

  • Vua Cha Thủy Phủ: Phù Tang Cam Lâm Đại Đế và Bát Hải Long Vương trong Đạo Giáo được thay thế bằng Bát Hải Long Vương Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần trong Tín ngưỡng Tứ Phủ.
  • Vua Cha Nhạc Phủ: Ngũ Nhạc Thần Vương trong Đạo Giáo được thay thế bằng Tản Viên Sơn Thánh trong Tín ngưỡng Tứ Phủ.
  • Các Vị Quan Lớn: Tam Quan Đại Đế trong Đạo Giáo (gồm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan) được thay thế bằng Ngũ Vị Tôn Quan trọng Tín ngưỡng Tứ Phủ (gồm Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn, Quan Lớn Đệ Tam Thủy Phủ, Quan Lớn Đệ Tử Địa Phủ, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh).
  • V.V…

Vì vậy theo đúng mạch logic như trên thì rõ ràng Phong Đô Đại Đế và Thập Điện Diêm Vương trong Đạo Giáo cũng sẽ bị thay thế bởi một vị thánh của Việt Nam trong vị trí của Vua Cha Địa Phủ. Tuy nhiên có thể vì một lý do nào đó mà cho đến nay điều này vẫn chưa được hoàn tất.

Canh hoa trang

Vua Cha Địa Phủ trong Tín ngưỡng Tứ Phủ

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng Phong Đô Đại Đế và Thập Điện Diêm Vương trong Đạo Giáo không thể thay thế vị trí của Vua Cha Địa Phủ trong Tín Ngưỡng Tam tứ Phủ của Việt Nam.

Tuy nhiên “vị thánh nào của Việt Nam phù hợp với ngôi vị Vua Cha Địa Phủ?” cũng là một câu hỏi rất khó và cần phải được giải đáp trong thời gian tới.

Canh hoa trang

Tham khảo thêm: Vua Cha Thiên Phủ – Ngọc Hoàng Thượng Đế

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Vua Cha Địa Phủ

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu.

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn khác từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!