Tổ Cô trong Tín ngưỡng Tứ Phủ
Mục Lục Bài Viết
Tổ Cô là ai?
Tương truyền rằng mỗi dòng họ có một vong (linh hồn người đã chết) linh thiêng và đứng đầu các vong của dòng họ đó, đó là Bà Tổ cô, Bà cô tổ là người nữ trẻ trong họ nhà mình chết khi chưa lấy chồng (thường chết từ 12-18 tuổi). Thường đó là những người quyến luyến gia đình dòng họ nên sau khi chết rất thiêng và chưa đi đầu thai mà ở lại giúp con cháu trong nhà.
Các bà cô ở đời thứ tư (còn gọi là bà Cô Tổ tứ đại) với số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào số người ở cõi âm của họ ấy. Từ 50-200 người thì bầu 3-4 bà Tổ Cô. Khi một thế hệ (một đời) ở cõi âm chuyển thể (đầu thai) thì bà cô Tứ đại thành Ngũ đại. Bà cô Tam đại lên thay. Ở các đời khác tứ đại, người ta gọi những người chết trẻ là bà cô, ông cậu (ông mãnh) chứ không gọi là tổ.
Các bà cô Tổ được phân biệt bằng màu sắc áo mặc, còn mũ đội thì giống nhau:
- Tổ Cô nào trầm thủy thì mặc áo trắng
- Tổ Cô chết không bệnh tự nhiên về trời áo đỏ
- Tổ Cô chết ốm hay tai nạn … bình thường khác áo xanh
Bà cô tổ có trách nhiệm đặc biệt với các cháu nhỏ trong gia đình dòng họ đó. Ban đầu có lẽ trách nhiệm của Bà cô tổ mỗi dòng họ là lo cho con cháu nhỏ trong gia đình khỏi bị tà ma quấy nhiễu hoặc bị tai nạn chết khi nhỏ có lẽ vì các vị chết trẻ nên không muốn con cháu giống mình. Về sau chắc mọi người thấy các “bà cô tổ” thường thiêng nên xin xỏ cả về làm ăn buôn bản, giải hạn.
Có thể nói bà tổ cô là người giao thoa giữa nhà ngài với con cháu mình. Ngài kề cận thưa lời tấu đỡ, có bà thì về nơi mình khâm trực. Có người thì kề cận các đền phủ. Chính vì vậy mình đi lễ ở đâu thì bà cũng đi theo.
Dòng họ nào có bà Cô Tổ thiêng thì con cháu dễ được như ý chuyện nhân duyên. Bà Tổ cô có nhiệm vụ hướng dẫn việc tu tập cho các linh hồn chốn âm ty, đồng thời cắt đặt họ trong việc độ trì, bảo hộ cho con cháu. Chính vì thế, khi trong nhà có sự, con cháu muốn nhờ cậy tổ tiên trong dòng họ, thì cần đến trước bàn thờ gia tiên mà kêu bà Tổ lên sắp đặt công việc, cử vong đi theo con cháu mà giúp đỡ.
Lễ kêu bà Tổ Cô rất đơn giản: cau trầu, hoa tươi, … đốt nén nhang, gọi bà tổ cô, và kêu: nếu là duyên lành thì ở lại, nếu thực sự chẳng phải là duyên thì bà dẫn đi cho mau.
Sau khi hầu hết các vị Thánh Tứ Phủ còn có sự nhập đồng của Tổ Tiên (thường là Cụ Tổ Cô Tối tú linh thiêng của dòng họ). Người hầu đồng nếu mà thích báo ơn tổ tiên thì có thể hầu chầu tổ, hoặc tổ cô tại gia.
Hầu giá Tổ Cô
Thời trước năm 1992, ở miền Bắc vẫn còn một số nơi duy trì hầu giá chầu cô tổ, nhưng sau này đặc biệt giới đồng bóng Hà Nội hoàn toàn bỏ giá tổ cô. Sự mai một này là do các thầy đơn giản hóa về lề lối đồng bóng chỉ chú trọng phần vật phẩm lễ. Sự mai một đó đã làm ảnh hưởng hoàn toàn đến thế hệ đồng bóng sau này khiến giá chầu cô tổ bị hoàn toàn lãng quên.
Để hầu giá cô tổ thì phải có bản điện riêng tại gia. Nghi thức thì phải qua bước như sau, gia đình có điều kiện phải cúng phả độ sau đó mời pháp sư và pháp sư và đạo trưởng cúng về tam phủ, cúng nhà trần, cúng tử phủ, sau đó hầu giá Đức Thánh Cả Nhà Trần, vỗ tay vào nghìn vàng đại thiếc vo nát. Trong nghìn vàng đại thiếc có sắc phong của nhà Phật Thánh do pháp sư cấp, lúc đó đức ông ngài lấy sắc thuộc phủ vào sẽ phong sắc phủ ấy. Ví dụ như phủ thượng thiên thì phong là Quỳnh Hoa công chúa, thoải phủ thì phong là Bạch Hoa công chúa. Nhà không có điều kiện thì chỉ làm bước thứ hai là mời thầy hầu.
Như vậy để hầu giá chầu tổ cô sẽ mặc áo năm thân hoặc áo tứ thân theo màu sắc được sắc phong, chít khăn vành dây. Những nhà mà không được sắc phong thì lấy khăn vuông đen của bất kỳ ai làm khăn phủ diện, còn những giá được sắc phong thì dùng khăn phủ diện hầu.
Về khai quang thì từ giả cậu bé bản đền trở đi đã không được phép khai quang, vì vậy giá tổ cô chỉ được làm lễ dâng hương, sau đó ngự giá phán truyền việc gia trung của nhà nghe chứ không khai quang múa hầu.
Giá cô tổ là giá cá nhân của gia đình mình, vì vậy không tán lộc mà chỉ cho lộc bản thân gia đình nhà nếu có chứ nhất thiết không phải cho lộc.
Văn Tổ Cô
Nén hương duyên, lòng thành bái thỉnh.
Nguyện xin cô,văn thính lai lâm.
Lính thời sở nguyện tòng tâm.
Cầu chi như ý chẳng lầm một khi.
Đội ơn tổ đức xưa kia.
Sinh cô lan huệ,tông chi dõi truyền.
Trước tổ tiên, sinh cô yểu điệu.
Tựa tiên dung ,tuyệt diệu vô song.
Tóc dài da trắng lưng ong.
Sinh ra hiển ứng,lạ lùng anh linh.
Tìm vaò những chôn sơn tình.
Để mà hóa phép ,uy hành bốn phương.
Traỉ đương trường, đèo ngang phố cát.
Cung cảnh vui, bát ngát lạ thay.
Cô lên chốn ấy dạo chơi.
Thanh nhàn nhất nhật,muôn đời thần tiên.
Dưới dương đình,đâu hơn bát cảnh.
Học được thầy, đạo thánh thung dung.
Nhàn du vui thú xích tòng.
Cô lên chốn ấy,càng trông càng màu.
Lìa sông châu, thực là chốn lạ.
Có kênh mèo,hang đá rất vui.
Có qua chốn ấy daọ chơi.
Chầu đức chúa cả, là nơi cõi nhàn.
Kẻ trần gian ai mà chẳng mộ.
Lòng khẩn cầu,lại phù hộ cho.
Bốn mùa dạo cảnh ngao du.
Động đào đã trải, bể hồ từng quen.
Khi lên chầu chúa thượng thiên.
Cưỡi mây nương gió,tới miền linh tiêu.
Lúc ban chiều dạo chơi võng thắm.
Chốn thiên thai thăm thẳm hôm mai.
Tiêu thiều thổi sáo nhịp đôi.
Quyển trầm đàn gảy,ghẹo người tình nhân.
Kìa sông ngân, cầu ô lỡ bước.
Khách hồ đông ,đội ước hồ tây.
Có khi hóa phép lạ thay.
Cầu bà chúa thoải,thủa raỳ long cung.
Ngự thuyền rồng,dạo chơi thủy đạo.
Đua tiếng đàn, tiếng sáo tiếng xênh.
Dập dìu tang tính tang tình.
Hoàng mai điểm tuyết,độ sinh am tuyền.
Thưở lâm tuyền thanh sơn bích động.
Cô lên chơi, đủng đỉnh thảnh thơi.
Thiên hương quốc sắc gồm hai.
Vang lừng nam bắc trừ tai cứu nàn.
Lưu ân giáng phúc muôn vàn.
Phù hộ con cháu, bình an gia đình.
Ra tay sát quỷ trừ tinh.
Cô lên tấu đối, để đình sắc ban.
Tâu rồi trở gót tràng an.
Phù hộ cho họ,thọ tràng thiên xuân.
Tham khảo thêm
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Tổ Cô trong Tín ngưỡng thờ gia tiên và Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu và được cố vấn bởi Thầy Trần
Xin trân trọng cám ơn!