Quan Đệ Tam : Những thông tin về Quan Lớn Đệ Tam bạn cần biết

Quan Lớn Đệ Tam – một vị thần linh thiêng, giữ vị trí quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngài còn được biết đến với những danh xưng cao quý như Đệ Tam Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan. Được sắc phong là Thủy Tào Điển Sứ, ngài cai quản Thủy phủ và là vị thần tối cao của Thoải phủ.

Hình ảnh Quan Lớn Đệ Tam thường hiện lên với trang phục đặc trưng: áo trắng thêu rồng oai phong, đai trắng tinh khôi và hổ phù quyền uy. Ngài được người dân tôn thờ tại nhiều ngôi đền nổi tiếng khắp cả nước, tiêu biểu như đền Lảnh Giang, đền Xích Đằngđền Tam Phủ. Hàng năm, vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch, lễ khánh tiệc của ngài được tổ chức long trọng, thu hút đông đảo người dân đến tham dự.

Quan Lớn Đệ Tam là ai?

Quan Lớn Đệ Tam là vị quan lớn văn võ toàn tài, quản cai miền sông nước. Ngài ngự áo màu trắng tượng trung cho Thoải Phủ.

Danh hiệu:

  • Quan Lớn Đệ Tam
  • Đệ Tam Tôn Quan
  • Đệ Tam Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan
  • Thủy Tào Điển Sứ
  • Đệ Tam Thủy Thần Nhạc Đại Vương Thượng Đẳng Tối linh thần

Sắc phong: Thủy tào điển sứ – Đệ tam thủy thần nhạc đại vương thượng đẳng tối linh thần

Phủ/ nơi cai quản: Thủy phủ

Ngày khánh tiệc: 24/6 Âm Lịch

Trang phục:

  • Áo trắng thêu rồng
  • Đeo hổ phù
  • Mạng trắng
  • Đai trắng

Đền thờ:

  • Quan Lớn Đệ Tam (Thái Bình)
  • Đền Lảnh Giang (Hà Nam)
  • Đền Xích Đằng (Hưng Yên)
  • Đền Tam Phủ (Hà Nội)
  • Đền Tam Kì (Hải Phòng)

Thần tích Quan Đệ Tam

Quan Lớn Đệ Tam còn gọi là Đệ Tam Tôn Quan hay Vương Quan Đệ Tam.

Sắc Phong: Thủy tào điển sử – Đệ tam thủy thần nhạc đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Sự tích Quan Đệ Tam

Vào thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18, giặc ngoại bang xâm chiếm nước nhà. Vua Hùng triệu tập hiền tài và thần linh để giúp đánh đuổi quân thù.

Sứ giả đến Động Đào, nơi dòng sông cuồn cuộn sóng hồng và âm vang trời rực đỏ. Đức Vua Cha Bát Hải (Phạm Vĩnh) nhờ sứ giả nhắn với Vua Hùng rằng ông sẽ triệu tập hai em trai, tuyển chọn mười tướng, chiêu mộ binh sĩ trong mười ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả tám cửa biển nước Nam, hứa sau ba ngày là giặc tan. Ngay ngày tuyển mộ đầu tiên, Vĩnh Công đã chọn được ba tướng là Quan lớn Thượng, Quan đệ Tam và Quan đệ Tứ.

Dưới sự chỉ huy của Phạm Vĩnh, năm đạo quân Thục bị tiêu diệt.

Quan Lớn Đệ Tam là vị quan lớn được vua cha Bát Hải sùng ái nhất. Sau khi thắng trận, Quan lớn đệ Tam được phân công giữ yên vùng duyên hải từ sông Cái lên hết biên giới biển phía bắc Lạc Việt.

Vì Quan lớn đệ Tam thắng giặc trên cửa sông Bạch Đằng và cai quản vùng này, các đời sau, khi đánh giặc trên sông Bạch Đằng, các quân vương đều về cầu và tạ tại đền Đức Vua và Đền Quan đệ Tam, vì cho rằng được âm phù mà chiến thắng.

Theo truyền thuyết, trong một trận đánh sau này, Quan lớn đệ Tam hy sinh tại ngã ba sông Bạch Hạc vào ngày 24/6. Xác ông bị chém làm đôi rồi ném trôi sông. Phần đầu trôi dạt vào bãi sông thuộc làng Xích Đằng (phường Lam Sơn, Thành phố Hưng Yên), dân làng đã lập đền thờ Xích Đằng tưởng nhớ ông. Phần thân dạt vào ven sông thuộc thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), cũng được dân làng chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ, đó là đền Lảnh Giang.

Quan Lớn Đệ Tam không phải là Phạm Vĩnh

Hiện nay có một số thần tích cho rằng Quan Lớn Đệ Tam chính là Phạm Vĩnh, hay còn gọi Vĩnh Công Đại Vương. Chúng ta thấy rằng thần tích ở Đền Đồng Bằng và Đền Lảnh Giang đều nói về sự kiện một bọc có ba con rắn, trong đó con rắn lớn về đất Đào Động sau này biến thành Phạm Vĩnh giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc ngoại xâm.

Hai con rắn nhỏ bơi về Trang Hoa Giám và Thanh Do Trang chính là hai người em của Phạm Vĩnh. Một số bản thần tích cho rằng Phạm Vĩnh chính là Quan Đệ Tam, trong khi những bản thần tích còn lại đều khẳng định Phạm Vĩnh chính là Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Theo tác giả thì quan điểm “Phạm Vĩnh là Vua Cha Bát Hải Động Đình, còn Quan Lớn Đệ Tam chính là một trong hai người em của Phạm Vĩnh” là đúng. Tác giả chứng minh dựa trên những lập luận như sau:

Thứ nhất:

Ở di tích đền Đồng Bằng, Vua Cha Bát Hải Động Đình được thờ cùng nhiều Quan Lớn khác. Điều này cho thấy Vua Cha Bát Hải ứng với Phạm Vĩnh, người thống lĩnh quân đội và chỉ huy mười vị quan lớn đánh giặc ngoại xâm. Nếu Phạm Vĩnh chỉ là Quan Lớn Đệ Tam, ông sẽ ngang hàng với các Quan Lớn khác và không thể chỉ huy họ, mâu thuẫn với thần tích nói rằng Vĩnh Công chỉ huy tướng lĩnh đánh thắng giặc.

Thứ hai:

Chúng ta đều biết rằng ngày mà ngài Phạm Vĩnh hóa là ngày 25-8 chứ không phải 24-6. Người ta nói “Tháng tám tiệc cha tháng ba tiệc mẹ” ý là muốn nói tháng 8 là tiệc của Vua Cha, trong đó có Đức Thánh Trần và Vua Cha Bát Hải Động Đình Thủy Quốc Long Vương Trấn Tây An Nam Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Mà ngài Phạm Vĩnh hóa vào ngày 25-8, như vậy ngài Phạm Vĩnh chính là Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, chứ không phải Quan Lớn Đệ Tam vốn có ngày hóa là 24-6.

Bài thơ của cụ Bùi Bằng Đoàn về ba anh em họ Phạm

Cụ Bùi Bằng Đoàn (1886 – 1953) là người xã Liên Bạt, huyện Sơn Lăng tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Cụ đỗ Cử nhân năm Thành Thái thứ 18 (1906), làm Thượng thư Bộ Hình. Sau Cách mạng tháng tám 1945, cụ được làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bài thơ này cụ viết vào tháng 2/1907 khi viết về công lao đánh giặc của ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Vương thờ tại Đền Lảnh Giang trong tập sách “Giang Sơn cổ tích đề vịnh”, có bài thơ như sau:

“Hùng gia quỷ thế tam huynh đệ
Phạm tộc giang hương phả tượng truyền
Phả tặc an dân nhân dĩ viễn
Anh thanh thiên cổ nguyệt cao huyền”

Dịch là:

Anh em ba vị cuối triều Hùng
Họ Phạm quê nhà xóm bãi sông
Đánh giặc cứu dân người đã khuất
Còn nwu sự nghiệp sáng trăng trong.

Hầu giá Quan Lớn Đệ Tam

Hầu hết những người hầu Tứ Phủ đều phải hầu Quan Đệ Tam. Ông là vị Quan Lớn nổi tiếng nhất. Khi thỉnh, ngài ra dấu ba ngón tay trái. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù, mạng trắng, đai trắng. Ông làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sở điệp và múa đôi song kiếm. Ông ngự tọa, hiến tửu thuốc, nghe văn, chứng lễ, phản truyền nhân gian.

Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ (gồm cỏ long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ… tất cả đều màu trắng).

Các đền thờ Quan Đệ Tam

Đền Quan Lớn Đệ Tam (Quỳnh Phụ – Thái Bình)

Địa chỉ: QL10, An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam thuộc quần thể di tích đền Đồng Bằng. Đây là một trong ba đền thờ chính của ngài. Đền được xây dựng trên thủ phủ xưa của ngài, nơi ngài làm việc bên Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Xưa kia, dân làng lập miếu thờ Quan Lớn Đệ Tam. Trải qua nhiều triều đại, đền được tôn tạo, tu bổ. Trong thời kỳ đánh giặc Nguyên Mông, nhà Trần cử tướng lĩnh về luyện thủy binh tại đây. Sau chiến thắng Bạch Đằng Giang, nhà Trần xây thêm cung thờ các quan Trần Triều. Đầu thế kỷ 17, đền được xây dựng hoành tráng nhất.

Vào những năm 1940-1950, đền uy nghi lộng lẫy. Năm 1951, đền là nơi hội họp của cán bộ Đảng. Lính Pháp bắn phá đền, dân làng rước tượng, bài vị, sắc phong về.

Tượng ngài được lưu giữ trong dân, sau được rước về tạm tọa tại cửa đền Vua Cha.

Đền Lảnh Giang (Duy Tiên – Hà Nam)

Địa chỉ: Làng Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam

Quan Lớn Đệ Tam được thờ ở đền Lảnh Giang, Hà Nam. Đền thờ ba vị danh thần họ Phạm đời Hùng Vương thứ 18, Quan Lớn Đệ Tam, Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử.

Bảo tàng lịch sử tỉnh Nam Hà (cũ) nhận xét: Đền Lảnh Giang là di tích thờ ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Duệ Vương có công đánh giặc Thục, bảo vệ nền độc lập. Khi hòa bình, các ông chăm lo sản xuất, làm cho đời sống nhân dân ấm no. Đền Lảnh Giang là công trình kiến trúc quy mô, mang đậm nét nghệ thuật cổ truyền, còn giữ nhiều cổ vật giá trị.

Ngày 5/11/1996, Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Đền Xích Đằng (Lam Sơn – Hưng Yên)

Địa chỉ: P. Lam Sơn, Hưng Yên

Nằm ven đê sông Hồng, đền Quan Lớn hay đền Xích Đằng là điểm đến tâm linh nổi tiếng. Đền được xây dựng lại năm 1998 bởi Nguyễn Văn Thắng.

Truyền thuyết kể Quan Đệ Tam chết trận, xác bị chém đôi, phần đầu trôi dạt vào làng Xích Đằng. Dân làng lập đền thờ. Năm 2009, di hài phần đầu được tìm thấy trong khuôn viên đền.

Đền xây dựng trên nền đất rộng, kiến trúc hoành tráng. Qua tam quan là sân hẹp đặt rùa đá, nghệ đá. Trong đền có ban công đồng, cung Tam tòa Thánh mẫu, cung thờ Quan Lớn Đệ Tam, cung cấm đặt tượng Ngài. Ngoài ra còn ban thờ chúa Sơn Trang, Vương ông nhà Trần, Hoàng Mười, Hoàng Bảy…

Đền có nhiều hiện vật giá trị: chuông đồng, đại tự, câu đối. Trong khuôn viên có cây cổ thụ hợp thân năm loại cây.

Đền đón đông du khách quanh năm. Vào đầu năm hay tháng 6 Âm lịch, nhân dân khắp nơi về lễ đông đúc. Ngày 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao Quan Lớn Đệ Tam.

Đền Tam Phủ (Hàng Cót – Hà Nội)

Địa chỉ: 52 Hàng Cót, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đền Tam Phủ là di tích thờ quan Tam Phủ, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần và Phật. Cổng đền có cột trụ cao, cửa vòm cuốn. Kiến trúc đền mang dấu ấn tu bổ năm 1990. Sau cổng là sân hẹp, hai bên có lầu cô, cậu.

Đền còn nhiều đồ thờ và di vật cổ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đặc biệt có hai đạo sắc phong năm 1911 và 1924, bia đá năm 1942 và nhiều tượng cổ.

Đền nằm trong khu phố cổ Hà Nội, trên đất Hoàng thành Thăng Long đời Lê. Nhân dân thường đến cầu cúng, đặc biệt đông vào đầu năm và cuối năm.

Tuy nhỏ, kiến trúc khiêm tốn, nhưng đền gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và chứng tỏ nhiều điều về khu phố cổ và thành cổ Hà Nội.

Một số ngôi đền khác thờ Quan Lớn Đệ Tam

Ngoài các ngôi đền trên, Quan Lớn Đệ Tam còn được thờ ở Đền Tam Kì thuộc thành phố Hải Phòng (gần bến xe Tam Bạc). Ngoài ra đền thờ Ngài còn được lập ở Nam Định và các cửa sông.

Các bản văn chầu Quan Đệ Tam

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn chầy Quan Đệ Tam. Các bản văn được dùng khi hát thờ, hát thi và hầu giá Quan.

Trích đoạn

“Trịnh giang biên giành ngân lai láng
Đôi vầng hồng soi rạng nam minh
Con vua thủy quốc Động Đình
Đệ tam thái tử giáng sinh đền Rồng

Đúc gồm vẹn thung dung hòa mạc
Bẩm sinh thành tứ chất long nhan
Thỉnh mời quan lớn đệ tam
Phi phương diện mạo tòa lảnh giang khác thường

Hằng tấu đối thiên đường thủy phủ
Chốn nam minh quy đủ bốn phương
Ra uy chấp chính kỷ cương
Cầm cân nảy mực sửa sang cõi đời…”

Xem chi tiết các bản văn Quan Đệ Tam

Các câu hỏi về Quan Đệ Tam thường gặp

Quan đệ tam là ai?

Quan Lớn Đệ Tam là vị quan lớn thứ 3 trong hàng Ngũ Vị Tôn Quan thuộc Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Tứ Phủ. Ngài là người văn võ toàn tài, quản cai miền sông nước.

Quan Đệ Tam cầm bản mệnh?

Quan Đệ Tam cầm bản mệnh các tuổi Giáp Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Nhâm Dần, Kỷ Mão, Mậu Thìn, Quý Tỵ, Ất Mùi, Nhâm Thân, Giáp Thân, Đinh Dậu, Bính Tuất, Mậu Tuất, Kỷ Hợi

Quan Đệ Tam mặc áo màu gì?

Quan Đệ Tam mặc Áo trắng thêu rồng, Đeo hổ phù, Mạng trắng và Đai trắng.

Đền Quan Lớn Đệ Tam thờ ai?

Đền Quan Lớn Đệ Tam thờ Quan Lớn Đệ Tam và các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ Phủ.

Quan Đệ Tam ở đâu?

Quan Đệ Tam được phụng thờ chính tạiĐền Quan Lớn Đệ Tam (Thái Bình), Đền Lảnh Giang (Hà Nam), Đền Xích Đằng (Hưng Yên), Đền Tam Phủ (Hà Nội), Đền Tam Lì (Hải Phòng).
Ngoài ra, Ngài còn được thờ tại ban Ngũ Vị Tôn Quan trong các Đền – Phủ và điện thờ trong tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Đệ Tam.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Các nguồn trên internet

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiểu đầy đủ về Ngũ Vị Tôn Quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ

Tham khảo thêm

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.