Phủ Tây Hồ tọa lạc tại bán bảo lớn thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ là một di tích Lịch sử – Văn hóa tâm linh quen thuộc với rất nhiều người đang làm ăn sinh sống tại Hà Nội cùng du khách thập phương.
Men theo con đường rợp bóng cây, cuối khu biệt thự Tây Hồ ở thủ đô Hà Nội, giữa bát ngát hương sen và cảnh đất trời hòa quyện trong ánh nắng chiều tà, đảo nhỏ được người xưa ví là bãi đất cá vàng nhô ra giữa mặt nước lung linh, đúng là cái thế đầu rồng, thân rồng, rùa cõng khiến khách vãn cảnh cảm thấy âm dương đối đãi, tâm hồn mình thư thái lạ.
Vượt qua cổng Phủ Tây Hồ sừng sững bên cây đa cổ, con đường vào phủ uốn lượn theo mép hồ lơ thơ liễu rủ lại đưa bước chân du khách tới hai cây vối lớn hiếm thấy và một cây si cổ thụ ngay trước cửa Động Sơn Trang, vươn những chùm rễ đại ra mặt nước cho chim chóc đua nhau về làm tổ.
Cảnh đẹp nên thơ ấy là một trong những lý do khiến Phủ Tây Hồ luôn thu hút khách thập phương đến bằng đường bộ cũng như bằng đò trên Hồ Tây.
Truyền thuyết về công trình văn hóa tín ngưỡng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia này cũng là điều khiến không ít du khách trầm trồ tán thưởng.
Sự tích vị Thánh Mẫu thờ trong Phủ Tây Hồ được người dân tổng Thượng, huyện Phụng Thiên xưa (nay là vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Xuân La, Vạn Dâu) kể lại rằng:
Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng thượng đế ở Đệ nhị Thiên Cung, do đánh rơi chén ngọc dâng rượu chúc thọ đã phải xuông trần gian đầu thai làm Giáng Tiên – con gái thường dân Lê Thái Công ở An Thái – Vân Cát – Vụ Bản – Nam Định vào năm 1557.
Lớn lên, có nhan sắc tuyệt trần, lại giỏi thơ ca, song lấy chồng và sinh con – một trai, một gái – thì Giáng Tiên chớp mắt thăng thiên đình. Nàng giáng trần lần thứ nhất để gặp lại người thân, có hai nữ thần Quế Nương, Thị Nương hậu vệ
Lần hai hiển linh để cứu nhân độ thế, trừng phạt kẻ bất lương trêu ghẹo dân lành, lại gia ơn cho kẻ khác và du ngoạn khắp chôn danh lam, giáng bút đề thơ.
Có truyền thuyết kể rằng chính tại mảnh đất Phủ Tây Hồ ngày nay, Quỳnh Hoa đã tái ngộ xướng họa thơ văn cùng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (lần thứ nhất đàm đạo tại xứ Lạng) trong vai cô chủ quán tửu lầu Tây Hồ phong nguyệt. Tại đây, công chúa mở quán rượu, đối thơ thể hiện tính cách tự do, phóng khoáng, muốn giải thoát sự cưỡng chế của ý thức hệ nho giáo: Quân – Thần – Phụ – Tử rồi tứ đức, tam tòng… làm mất đi sự công bằng xã hội cũng như đạo lý làm người.
Ít ngày sau Trạng Bùng quay lại đã thây biến mất cả người lẫn quán, chỉ còn hồ nước mênh mông. Để giữ lại kỷ niệm đối với Tây Hồ, người ta đã dựng phủ thờ Công Chúa Liễu Hạnh và trở thành nơi thu hút đông đảo bà con về dâng hương lễ Mẫu.
Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu); Phủ chính có quy mô lớn nhất. Mặt trước có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích”, được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan là phương đình 2 tầng, 8 mái.
Nhà tiền tế, hậu cung xây sát sau phương đình; Kế đến là Điện Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian; khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu.
Di tích Phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối…Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: “Thiên tiên trắc giáng” (Tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ” (làm mẹ của cả thiên hạ).
Trước kia, cứ đến ngày Bảy tháng Ba là mọi người nô nức kéo về dự lễ hội. Trong lễ hội, ngoài việc làm lễ cầu Tháng Mẩu gia ân, cứu độ để được an khang thịnh vượng, còn được xem các trò chơi dân gian như múa rồng, chơi cờ người, cờ thẻ, tổ tôm điếm… trên một địa bàn danh thắng phong cảnh hữu tình, do vậy mà không riêng thể dân xã Quảng An mà cả nhân dân các quận thuộc Thành phố Hà Nội, khách hành hương cả nước đã và sẽ để về Hồ Tây lễ phủ Tây Hồ, ngưỡng vọng “thần tượng tự do” Mẫu Liễu Hạnh.