Ông Hoàng Đôi : Tìm hiểu về Thần tích và đền thờ Quan Hoàng Đôi

Ông Hoàng Đôi hầu Mẫu ở đền Sòng, Phố Cát và Đôi Ngang. Ông là vị Khâm sai thay quyền bốn phủ đi chấm lính nhận đồng.

Ai thời căn số phải hầu
Lập đàn thỉnh bóng, quy đầu làm tôi
Thánh Hoàng hoá phép trên trời
Hải môn bốn bể khắp nơi quyền hành

Sự tích Ông Hoàng Đôi

Ông Hoàng Đôi hầu Mẫu ở đền Sòng và Phố Cát, Đồi Ngang, làm việc thượng ngàn, giám sát. Ngài là một trong bốn vị Khâm sai thay quyền bốn phủ đi chấm linh nhận đồng. Theo truyền thuyết thì ông là người Mán có công đánh giặc bảo vệ dân lành. Trong văn Ông Bảy mô tả Ông Hoàng Đôi có công đánh trận cùng ông Hoàng bảy. Chính vì vậy mà người ta còn gọi Ông Hoàng Đôi là Ông Hoàng Đôi Bảo Hà. Trong văn ông bảy có câu rằng:

“Doanh trung thường có hai hoàng vào ra
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công Đệ Nhị Hoàng Hai
Can qua dâu bể biển đời…”

Ông Hoàng Đôi không phải là Quan Triệu Tường

Trong xứ Thanh Hóa thì lại đồng nhất Quan Hoàng Đôi với Quan Triệu Tường. Tuy nhiên theo quan điểm của TS Bùi Hùng Thắng thì không đúng vì những lý do sau:

Thứ nhất

Quan Hoàng Đôi giảng trần cùng thời với quan Hoàng Bẩy bảo Hà, điều này được khẳng định trong bản văn ông Hoàng Bảy như sau:

“Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Đôi
Can qua dâu bể biến dời
Anh hùng xưa đã ra người cung tiên”

Mà theo truyền thuyết kể lại thì Quan Hoàng Bẩy giảng trần vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786). Thời đó khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc vùng phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt, an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của ông.

Thứ hai

Quan Triệu Tường không giáng trần cùng thời với ông Hoàng Bảy Bảo Hà. Điều này được khẳng định trong bản văn Quan Triệu Tường:

“Việt sử chép đời Lê Thái Tổ
Đức Nguyễn Kim phò chúa an dân
Sinh ông Hoàng Triệu trung thần
Đã hay kinh sử lại nhuần binh thư”

“Quan Triệu ngài vâng lệnh bài sai
Đề binh mã ra ngoài Bắc trấn
Vận thần toán bày binh bố trận
Mạc thế cùng chiếu cuốn thu quân
Nẻo Cao Bằng, Mạc chúa ẩn thân”

Trước hết có thể thấy về sự tích thì ông Hoàng Triệu là con trai của Nguyễn Kim (1468 – 1545), ông tham gia vào công cuộc Phù Lê Dẹp Mạc ở những giai đoạn khi nhà Mạc rút lên Cao Bằng cát cứ, giai đoạn lịch sử này ứng với khoảng thời gian những năm 1620. Và cho đến khi nhà Mạc thực sự chấm dứt thì cũng chỉ vào năm 1677. Như vậy xét về mặt lịch sử Quan Hoàng Triệu phải giáng trần trước Quan Hoàng Bảy Bảo Hà, không thể là anh em của Quan Hoàng Bảy Bảo Hà được. Do vậy nếu coi Quan Hoàng Triệu là Quan Hoàng Đôi thì sẽ không phù hợp như trong bản văn ông Hoàng Bẩy:

“Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Đôi
Can qua dâu bể biển dời”

Thứ ba

Dựa trên quan điểm về Tín ngưỡng Tứ Phủ thì vị trí thứ hai trong hệ thống thần linh sẽ thuộc về Nhạc Phủ, ví dụ như Quan đệ Nhị, Chầu đệ Nhị, Cô Đôi, Cậu đôi. Vậy thì Quan hoàng đôi phải thuộc về Nhạc phủ, tuy nhiên lịch sử về Quan Triệu Trường cũng như đền thờ của ngài lại cho thấy ngài không thuộc về Nhạc phủ. Đây là một lý do nữa để khẳng định Quan Triệu Tương không phải là Quan Hoàng Đôi.

Như vậy quan Hoàng Đôi thực sự là người Mán, đền thờ ở Cẩm Phả. Ông tham gia trận đánh trên thượng ngàn và đền thờ của cũng được thờ ở trên vùng thượng ngàn cùng với ông Hoàng Bảy, như vậy ông thuộc Nhạc Phủ (ngôi đệ nhị) là hợp lý. Trong bản văn ông Hoàng Đôi cũng nhắc đến địa danh Bảo Hà, điều này cho ta sự liên hệ tới quan Hoàng Bảy Bảo Hà, dưới đây là bản văn ông Hoàng Đôi:

“Bảo Hà coi chốn rừng xanh
Thổ Nùng Thổ mán phục tình làm tôi
Sắc phong chính hiệu Hoàng Đôi
Mười hai cửa bể mọi nơi đi về”

Hầu giá Quan Hoàng Đôi

Ngài ngự áo xanh lá cây theo sắc phong của bốn phủ, chít khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân, múa hèo. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài đi hèo ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài. Trước đây chỉ những đồng cựu, chủ nhang, đồng đền, đạo trưởng mới hầu Ngài.

Có quan điểm cho rằng trước kia không mấy ai hầu Ông Hoàng Bảy mà chỉ hầu Ông Hoàng Đôi. Sau này thì người ta hầu Ông Hoàng Bảy là chủ yếu và ít khi hầu Ông Hoàng Đôi hơn. Người ta thường hầu một trong hai ông vì hai ông đánh giặc cùng với nhau nên ở cùng một đền trên Bảo Hà.

Bản văn Quan Hoàng Đôi

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Ông Hoàng Đôi

Trích đoạn

Con vua Bát Hải thuỷ tề
Long thần Hoàng cưỡi đi về sớm khuya
Bấy giờ có sớ dâng lên
Vua Cha giáng chỉ hạ truyền phán ra

Kíp ngay diệt lũ yêu ma
Thánh hoàng đội lệnh bước ra sân rồng
Ba quân, lĩnh ấn công đồng
Kiếm thiêng ra phép thần thông xoay vần

Xem đầy đủ các bản văn Ông Hoàng Đôi

Đền thờ Quan Hoàng Đôi

Đền thờ Quan Hoàng Đôi (Cẩm Phả)

Đền Ông Hoàng Đôi ở Cẩm Phả là đền tư, còn gọi là đền Hoàng Đôi Bảo Hà, vì đền này rước ông Hoàng Đôi từ trên Bảo Hà về thờ. Thủ nhang lập ra ngôi đền tư này là cụ đồng Nhâm.

Tượng thờ Quan Hoàng Đôi ở đền Bảo Hà

Tượng Ông Hoàng Đôi mặc áo xanh ở Đền Bảo Hà

Ông Hoàng Đôi cũng được thờ tại cung Tứ Phủ Ông Hoàng thuộc đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà. Tượng của ngài có màu xanh, nhiều người nói rằng đây là tượng Ông Hoàng Bảy nhưng không đúng vì những lý do sau:

Thứ nhất: Ông Hoàng Bảy thường mặc áo tím, rất ít khi mặc áo xanh, kể cả ở tượng thờ và khăn áo trong nghi thức hầu đồng.

Thứ hai: trong chính cung đã có tượng Hoàng Bảy Bảo Hà rồi, ngài mặc áo tím. Nếu ban Tứ Phủ Ông Hoàng lại xuất hiện thêm tượng ngài với một bộ áo xanh nữa thì cũng là một vấn đề, tức là không có sự thống nhất ở đây.

Thứ ba: sở dĩ Ông Hoàng Đôi được thờ trong đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà vì Ông Hoàng Đôi hay đi đánh giặc cùng Ông Hoàng Bảy, và trong văn ông Hoàng Bảy cũng đã viết về điều này. Như vậy Ông Hoàng Đôi cũng được thờ cùng trong đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là điều hợp lý.

Ngoài ra ông Hoàng Đôi cũng được thờ chính tại chùa Quang Minh, ngay sau đền Bảo Hà ở Lào Cai.

Tượng thờ Quan Hoàng Đôi ở Phủ Tây Hồ

Muốn lễ Hoàng Đôi cũng có thể lên Phủ Tây Hồ, bên cung Sơn Trang, nhìn vào, ở hai bên cầu có hai ông Hoàng đang cưỡi trên lưng ngựa, một bên áo đỏ, đai vàng, khăn xếp lét vàng đó là ông hoàng Tứ, bên còn lại là ông hoàng Đôi.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Ông Hoàng Đôi Thượng Thiên

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Vị Ông Hoàng

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.