Chùa Phổ Quang, còn được gọi là chùa Xuân Lũng, là một ngôi chùa cổ kính tọa lạc tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Với lịch sử hơn 800 năm, chùa Phổ Quang không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng mà còn là nơi lưu giữ một Bảo vật Quốc gia “độc nhất vô nhị” – bàn thờ Phật bằng đá.
Chùa Phổ Quang Phú Thọ ở đâu?
Chùa Phổ Quang nằm trên một quả gò thuộc xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chùa quay mặt về hướng Tây, nép mình giữa không gian yên bình, tĩnh lặng của làng quê.
Chùa Phổ Quang được xây dựng từ thời Lý – Trần, khoảng đầu thế kỷ 13. Trải qua bao biến động của lịch sử và thời gian, ngôi chùa đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần. Lần tu sửa lớn nhất diễn ra vào năm 1626, do các vị quan lại và nhân dân địa phương đứng ra tổ chức. Gần đây nhất, vào tháng 4/2021, chùa tiếp tục được trùng tu, giữ gìn những giá trị kiến trúc và tâm linh quý báu.
Chùa Phổ Quang được thiết kế theo kiểu chữ “Công”, lợp ngói, gồm hai cấp chùa.
Các cột đá trong chùa có sự kết hợp giữa loại vuông và bát giác, trang trí hoa văn gần giống như lá đề. Giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối.
Tòa Tam bảo của chùa bao gồm Bái đường, Thiêu hương và Chính điện, với khung kết cấu gỗ theo kiểu “Thượng giá chiêng, chồng rường – hạ kẻ”. Chùa Phổ Quang còn lưu giữ hơn 30 pho tượng bằng gỗ và đất.
Tam quan – Gác chuông tại chùa vẫn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy. Thượng lương khắc hàng chữ Hán, các đầu được chạm khắc hình hoa sen. Trên gác chuông treo quả chuông đồng “Phổ Quang tự chung” và khánh đồng, đều có niên đại đúc năm Minh Mạng thứ 12 (1839).
Điểm nhấn kiến trúc và nghệ thuật đặc sắc nhất của chùa Phổ Quang chính là bàn thờ Phật bằng đá. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ công phu, đặt ở giữa chùa cấp trên, đỡ ba tòa tam thế.
Bàn thờ Phật bằng đá có niên đại từ cuối thế kỷ 14, được các vị quan lại và nhân dân địa phương cung tiến. Bệ đá hoa sen hình chữ nhật, cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m, được chạm khắc tinh xảo với nhiều họa tiết hoa văn như cánh sen, cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở… Bốn góc bệ có bốn linh điểu vững chãi, mặt hình nhân, với các họa tiết tinh tế như chữ “Vương” và những hoa văn thắt.
Bàn thờ Phật bằng đá được cấu tạo thành 5 tầng, mỗi tầng được ghép từ nhiều phiến đá xanh, trang trí hoa văn tinh xảo. Tầng 3 của bệ đá có khắc dòng chữ Hán ghi lại niên đại và những người công đức tạo tác phẩm. Đây là một bức thông điệp quý giá của ông cha để lại cho thế hệ sau, giúp chúng ta khẳng định một cách chính xác về niên đại và nguồn gốc của tác phẩm.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt, bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Phổ Quang đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ vào ngày 25/12/2021.
Chùa Phổ Quang có bốn ngày lễ chính:
Ngôi chùa không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo của người dân địa phương mà còn mang giá trị lịch sử to lớn. Năm 1980, chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vì những giá trị kiến trúc và hoa văn chạm khắc tinh xảo.