Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Chúa Đệ Tam Lâm Thao là ai? đền thờ ở đâu và hầu giá Chúa Đệ Tam như thế nào?…sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Lâm Thao Cao Mại quê nhà
Anh linh trắc giáng Chúa Bà Đệ Tam.
Quyền hành cai quản sơn trang
Sơn lâm các động xa gần làm tôi.
Mục Lục Bài Viết
Sơ lược về Chúa Đệ Tam
Nguồn gốc: Con gái ruột của vua Hùng
Danh hiệu:
- Chúa Đệ Tam Lâm Thao
- Chúa Chữa
- Bà Chúa Ót
Phủ/ nơi cai quản: Sơn trang, sơn lâm khu vực Lâm Thao – Phú Thọ
Trang phục/Màu sắc: Áo màu trắng
Ngày tiệc: 25/12 âm lịch
Sự tích Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Chúa Bà Đệ Tam Lâm Thao là bà chúa chữa dưới thời Hùng Vương. Bà còn có tên là Bà Chúa Ót (theo một số ý kiến thì Tam Vị Chúa Mường có bà chúa Lâm Thao là bà chúa thỉnh cuối cùng nên được coi là út, đọc chệch đi là Bà Chúa Ót).
Tương truyền rằng, bà là công chúa, con gái ruột của Vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt. Tuy vậy bà vẫn một lòng giúp vua cha trị quốc, bà là người lo việc quân nhu quân lương trong các cuộc chiến trận, ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam, bà đi khắp vùng đem tài năng của mình để cứu giúp dân lành.
Bà Chúa Đệ Tam cũng là một người có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm phật để cầu cho quốc thái dân an.
Đền thờ Chúa Lâm Thao
Chúa Lâm Thao được thờ chính tại Đền Lâm Thao ở Cao Mại, Việt Trì, Phú Thọ.
Nơi đây từng là kho lương của bà cai quản khi xưa, đây là ngôi đền nhỏ, nhưng vẫn lưu giữ được những nét cổ xưa và rất linh thiêng.
Ngôi đền có kiến trúc cổ kính, đơn sơ gồm 3 gian thờ:
– Gian ngoài cùng có ba ban thờ. Gồm ban giữa là ban Công Đồng, ban bên trái thờ các vị nhà Trần gồm Đức ông và 2 vương cô, bên phải là ban chúa Sơn Trang và chúa Thác Bờ.
– Gian giữa là ban thờ vọng vào cung cấm Chúa. Nơi đây sẽ là nơi các con hương đặt lễ và kêu cầu Chúa.
– Gian cuối cùng là cung Cấm. Cung cấm thờ theo lối lầu son gác tía. Tượng chúa ngồi trong cung ngang hàng với phò mã. Bên dưới là tượng Chúa to hơn tượng chính do con hương thành tâm cung tiến về bản đền. Cung cấm của Chúa là cung vàng lầu ngọc đẹp, sơn son thiếp vàng lung linh. Cung cấm này thường khóa chặt và các con hương không được tùy tiện vào đây.
Ngày tiệc và lễ hội đền Chúa Lâm Thao
Ngày tiệc của Chúa Đệ Tam tương truyền là 25/12 âm lịch và hội đền chúa Lâm Thao được mở từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 6 tháng Giêng.
Theo thông lệ:
– Mùng 3/1 sẽ làm lễ mộc dục
– Mùng 4/1 rước Chúa cùng phò mã đi quan thị trấn và sang đền thờ người con trai cả.
– Mùng 6/1 lại rước Chúa cùng phò mã về bản đền.
– Ngày 10/3 ngày giỗ tổ Hùng Vương thì rước Chúa sang đền Hùng.
Hầu giá Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Chúa Bà Lâm Thao cũng là vị chúa rất hay ngự về, sau Chúa Nguyệt Hồ. Như hai vị chúa trên, khi người ta dâng đàn Chúa Bói thì thường thỉnh chúa về chứng tòa Chúa Đệ Tam màu trắng. Khi về đồng bà thường mặc áo trắng, có nơi khi hầu bà thì múa mồi như Chúa Bà Đệ Nhị Nguyệt Hồ, nhưng có nơi hầu chúa lại chỉ dùng quạt khai quang.
Các bản văn Chúa Lâm Thao
Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Chúa Đệ Tam.
Trích đoạn
Anh linh lừng lẫy núi đồi
Nữ trung oanh kiệt toàn tài kiếm cung.
Tuân lệnh sai thiên đình sắc chỉ
Chúa giáng trần diệt lũ tà kinh.
Chúa sai vạn vạn binh hùng
Gần xa đâu đó dốc lòng không sai.
Chúa đi khắp bốn phương trời
Trung linh thần nữ đền thờ chí công.
Xem đầy đủ các bản văn Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chúa Lâm Thao.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Hệ Thống Nữ Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ:
- Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
- Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
- Chúa Thác Hòa Bờ
- Chúa Long Giao
- Bà Chúa Cà Phê
- Chúa Ba Nàng
- Chúa Bà Tộc Mọi
- Chúa Bà Ngũ Phương
- Chúa Bà Đá Đen
- Bà Chúa Kho
- Bà Lớn Tuần
- Nữ Tướng Lê Chân
- Công Chúa Ngọc Hân
- Bà Chúa Lộc
- Bà Chúa Vực
- Chúa Bắc Hà
- Chúa Bà Ngũ Hành
- Quế Nương và Thị Nương
- Chúa Bà Thừa Thiên Công Chúa