Chầu Cửu : Sự tích và các thông tin về Chầu Chín Cửu Tỉnh

Chầu Chín Cửu Tỉnh (Chầu Cửu hoặc Chầu Chín Giếng) là vị Thánh Chầu thuộc Thiên Phủ đứng thứ chín trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu.

Ngôi cao vâng lệnh cửu trùng
Nghe lời triệu thỉnh giáng đồng chứng tri
Thần thông biến hóa nương gió cưỡi mây
Dạo bốn phương nam bắc đông tây

Sơ lược về Chầu Chín Cửu Tỉnh

Danh hiệu:

  • Chầu Cửu
  • Chầu Chín Giếng

Phủ/ nơi cai quản: Thiên Phủ

Hầu cận:

  • Mẫu Cửu Trùng Thiên
  • Mẫu Liễu Hạnh

Lĩnh vực chính:

  • Hầu cận bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh (hoặc Mẫu Cửu Trùng Thiên
  • Cai quản chín mạch giếng thiêng của Thanh Hóa

Trang phục/Màu sắc: Đỏ, hồng

Đền thờ:

  • Những ngôi đền thờ Mẫu Liễu Hạnh
  • Đền Chín Giếng (Thanh Hóa)

Ngày tiệc: 09/09 Âm Lịch

Sự tích Chầu Cửu

Chầu bà vốn là tiên nữ trên Thiên Đình, sinh giáng ở đất Bỉm Sơn, Thanh Hóa, làm phúc giúp dân. Sau này khi thác hóa bà trở thành vị Chầu Bà kề cận, biên chép sổ sách bên Cửu Trùng Thiên Cung Vạn Hoa Vương Mẫu.

Khi thanh nhàn chầu thường cùng bạn cát dạo chơi khắp nơi, giáng hiện tại đất Thanh Hóa (có tài liệu cho rằng bà cũng là người cai quản chín mạch nước giếng âm dương trên đất Thanh. Theo âm Hán: Cửu là chín, Tỉnh là giếng nên Cửu Tinh cũng có nghĩa là chin giếng), có khi chầu cũng giả ngự trong Đền Sòng (vì vậy đôi khi người ta cũng gọi là Chầu Cửu Đền Sòng). Cũng có quan niệm cho rằng bà là Thụy Hoa Công Chúa (hay có một số sách nói là Chầu Quỳnh) trên Thiên Cung, xuống Đồi Ngang, Phố Cát, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh.

Hầu giá Chầu Cửu

Chầu Cửu thường hay ngự đồng khi về các ngôi đền ở Phủ Dày, Nam Định hoặc Đền Sòng, Thanh Hóa. Khi ngự đồng chầu mặc áo màu đỏ (cỏ một số nơi dâng chầu ảo màu hồng), khai quang.

Các bản văn Chầu Chín Cửu Tỉnh

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Chầu Chín Cửu Tỉnh .

Trích đoạn

Danh thơm truyền khắp xa gần
Chầu Cửu linh ứng tài thần linh thông.
Thướt tha vẻ nguyệt bóng hồng
Ngày ngày phụng mệnh cửa công ra vào.

Sòng Sơn, Chầu ngự ngôi cao
Đền thanh cảnh lịch ai nào dám đương.
Đền thờ phong thủy lạ nhường
In đồ bát cảnh cát tường phong quang.

Xem chi đầy đủ các bản văn Chầu Cửu

Đền thờ Chầu Chín Cửu Tỉnh

Vì coi là kề cận bên Mẫu nên Chầu Cửu thường được thờ chính ở những ngôi đền chính của Mẫu như Đền Rồng, Thanh Hóa và Phủ Bóng, Nam Định ngoài ra ở một số đền còn thờ chầu làm Chầu Thủ Đền coi giữ trong bản đền. Nhưng ngôi đền được coi là đền chính của chầu là Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chầu Chín Cửu Tỉnh.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Wikia Đạo Mẫu Việt Nam

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Nhị Vị Chầu Bà

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.